Mua sắm online đang dần trở thành thói quen ưa thích của người tiêu dùng, đặc biệt là với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, như dệt may, da giày hay các sản phẩm đặc sản vùng miền nhờ mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp.
Đơn giản với kết nối thuận tiện
Hai năm nay, anh Nguyễn Đức Hùng (quận Nam Từ Liêm) đã xây dựng hẳn một website để giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Từ kinh nghiệm rút ra sau đại dịch COVID-19, việc bán hàng online đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.
Theo anh Hùng, chỉ cần giao diện phù hợp, bắt mắt cùng với kinh nghiệm bán hàng truyền thống nên khi bán hàng trực tuyến, chỉ cần linh hoạt một chút, nắm bắt được công nghệ nên sau một thời gian ngắn, hoạt động kinh doanh của cơ sở đã có doanh thu tăng cao rõ rệt.
“Sản phẩm OCOP tại các địa phương rất nhiều, chỉ cần cách truyền tải thông tin phù hợp sẽ thu hút được người mua, qua đó quảng bá được nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng,” ông Bình nói.
Nói về hoạt động mua sắm trực tuyến, ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay người mua hàng online các sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. Điều này chứng tỏ được sức hút của thương mại điện tử trong việc mua sắm, tiêu dùng ngày nay.
“Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ, đây chính tiềm năng lớn trong việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử,” ông Tòng cho biết.
Thực tế này cũng được thấy rõ khi khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy có 85% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến; 66% người tiêu dùng luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Ngoài ra, 34% còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.
Đặc biệt, người tiêu dùng Việt đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt. Đây là xu hướng chủ đạo của người tiêu dùng Việt Nam trong mua sắm trực tuyến và đặc biệt hình thành rõ rệt sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh gia tăng mua sắm trực tuyến các mặt hàng nội địa, những nghiên cứu của Tập đoàn dịch vụ thẻ thanh toán đa quốc gia của Mỹ (Visa) cho thấy, người tiêu dùng Việt ngày càng tự tin mua sắm trực tuyến hơn, chi tiêu quốc tế nhiều hơn cũng như ưa chuộng thanh toán không tiếp xúc.
Đẩy mạnh khâu thiết kế
Theo dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bình quân 16-30% một năm. Đáng chú ý, bán lẻ qua thương mại điện tử tiếp tục có sự tăng trưởng đột phá về doanh thu. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Số liệu nghiên cứu của Google, Temasek & Bain cũng cho thấy, kinh tế Số của Việt Nam tăng ở mức hơn 20% trong hai năm qua, cao nhất Đông Nam Á.
Dự báo, quy mô kinh tế Số có thể tăng lên 45 tỷ USD vào 2025, trong đó, riêng thương mại điện tử có thể đạt 24 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2030.
Với đà tăng mạnh mẽ này, theo đại diện Bộ Công Thương, hiện là thời điểm ngành thương mại điện tử xây dựng mô hình, chiến lược phát triển mới để giúp doanh nghiệp hồi phục và mở rộng thị trường. Đặc biệt, người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu thiếu chất lượng.
Thực tế, thương mại điện tử đang mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ, song để giữ chân người dùng, doanh nghiệp cần mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho họ, gồm gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ bền vững.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội việc để những người mua sắm lớn tuổi tìm đến các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng là những khó khăn đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh, đồng thời, cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cũng đưa ra những khuyến nghị các doanh nghiệp nên sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm, cũng như đầu tư về chất lượng và mang tính đặc trưng của từng doanh nghiệp. Cùng đó, việc xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo là một ý tưởng giúp sản phẩm của doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.
Liên quan đến nội dung này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương qua các sàn thương mại điện tử, cần có các giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần định hướng cho người dân đưa vào sản xuất các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của địa phương. Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và kinh nghiệm trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt là chủ động, sáng tạo trong chế biến, đóng gói nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, như các sàn thương mại điện tử hỗ trợ về công nghệ, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm./.
(Vietnam+)