Đối với tôi, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng không chỉ giàu cá tính, có sự quyết đoán, mưu trí, tầm nhìn xa trông rộng, mà ông còn là vị tướng thực hành với những nhiệm vụ cụ thể, ở các khu vực đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là nét độc đáo riêng biệt của Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Đại tá Phùng Thế Tài - Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính - Chính ủy cùng các đồng chí lãnh đạo bộ tư lệnh Quân chủng Phòng Không Không Quân họp bàn kế hoạch tác chiến
Hành trình tiến tới Mùa xuân Đại thắng là hành trình đấu trí, đấu sức, sự gan góc, anh dũng của đội quân chính nghĩa với kẻ thù tối tân hiện đại. Khi tuyến đường 559 - đường Trường Sơn gặp nhiều khó khăn, đầu năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Hồ Chủ tịch trao huy hiệu cho Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát và Tư lệnh Phòng không không quân Phùng Thế Tài đánh thắng trận đầu (1964)
Các đoàn tàu không số chở cán bộ, vũ khí vượt biển vào Nam đã góp phần tạo ra những chiến công huyền thoại. Ngày 11 tháng 8 năm 1967, Phùng Thế Tài nhận quyết định điều động đảm nhiệm chức Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách: Phòng không - Không quân; Đoàn 559; Hải quân kiêm phụ trách hoạt động Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngay lập tức, Phùng Thế Tài có chuyến công tác, làm việc với Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát. Trước khi đi, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gặp ông và căn dặn: “Lúc này, tuyến vận tải trên biển có một giá trị đặc biệt quan trọng để chi viện cho khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Bác Hồ rất quan tâm và có gợi ý giao thêm việc này cho chú Tài”. Tổng Tham mưu trưởng vỗ vai Phùng Thế Tài thân mật nói tiếp: “Cậu là người đầu tiên vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bây giờ lại được giao nhiệm vụ cùng anh em thực hiện tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là đúng quá còn gì” (Bác Hồ - những kỷ niệm không quên - NXB Quân đội nhân dân, 1996).
Trong những ngày làm việc với bộ đội Hải quân, Phùng Thế Tài đã tham gia chỉ đạo việc tổ chức khẩn trương đưa vũ khí vào Nam trên các con tàu không số. Thiết lập các cầu cảng, thuyền trung chuyển lên tàu lớn. Đêm đông mịt mùng, bóng các chiến sĩ băng qua cầu tàu vượt biển giữa cái lạnh thấu xương. Tất cả đều thầm lặng. Tất cả đều vì miền Nam ruột thịt.
Được giao những trọng trách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phùng Thế Tài rất trăn trở khi biết trong năm 1967, nguồn xăng dầu ở Trường Sơn vô cùng cạn kiệt khiến mạch giao thông bị tắc nghẽn, chiến trường thiếu nhiều thứ quan trọng vì không có xăng dầu. Xăng dầu khi đó chỉ có thể dành cho cấp cứu và những việc khẩn cấp. Trong hồi ký Bác Hồ - những kỷ niệm không quên đã ghi lại: “Sau hơn một giờ trao đổi với Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, khẳng định dứt khoát phải làm đường ống. Đinh Đức Thiện thống nhất với Phùng Thế Tài: - Sáng mai anh và tôi cùng sang trình bày với anh Đỗ Mười vấn đề này. Ta phải gặp cả anh Lê Đức Thọ nữa. Đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, trong đó có vấn đề tổ chức.
Cuộc làm việc với đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng và đồng chí Lê Đức Thọ - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã diễn ra tốt đẹp. Với các tiếng nói rất có sức nặng, cả hai anh đều nhất chí với đề xuất của chúng tôi, trước hết là thành lập Cục Xăng dầu”.
Với cách thực hành chiến lược như vậy, các vị tướng Phùng Thế Tài và Đinh Đức Thiện đã lập tức chỉ đạo tiến hành thực hiện xây dựng tuyến đường ống xăng dầu vượt mưa bom bão đạn vươn vào chiến trường. Những chi viện lớn cho miền Nam ruột thịt được tiến hành hiệu quả để chúng ta sớm có ngày toàn thắng. Đó cũng là một trong những dấu mốc huyền thoại của Quân đội ta.
Khi thời cơ xuất hiện, Bộ Chính trị thống nhất hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được phân công làm Chủ tịch Hội đồng chi viện chiến trường. Bộ Tổng Tham mưu phân công Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài làm công tác đốc chiến, xử lý các tình huống trong các cuộc hành quân lớn trên toàn chiến trường.
Nhận mệnh lệnh, Phùng Thế Tài lập tức lên đường ra trận với chiếc trực thăng MI - 6 cùng hai chiếc U oát, thiết lập Sở chỉ huy nhẹ trên không trong bụng máy bay. Điểm đầu tiên Phùng Thế Tài cùng đoàn công tác đến là Đông Hà, nơi hội tụ những con đường vào Nam, ra Bắc. Những đoàn quân, các dòng người chuyển động ầm ầm trên ngã tư, xe cộ nườm nượp, quân đi như nước chảy thẳng hướng miền Nam. Nhiều chỗ bị tắc đường. Phùng Thế Tài cho đỗ trực thăng giải quyết công việc tại chỗ. Có những đoạn đường đèo dốc, xe ta hỏng hóc, ách tắc, Phùng Thế Tài đã cho phép đẩy các xe đã hỏng xuống vực để thông đường. Ông mệnh lệnh in hàng loạt biển lớn cắm hai bên đường và ghi vào các thành xe: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa” để đôn đốc bộ đội hành quân. Dọc tuyến hành quân, mọi người đã đặt vè về Phùng Thế Tài: Ông thần tốc, ông thần tốc/ Ông khắp nơi nơi đôn đốc hành quân/ Hành quân, hành quân, hành quân!/ Tây Nguyên giải phóng, miền Nam sum vầy!
Với vai trò đốc chiến, Phùng Thế Tài cùng đoàn công tác đặc biệt nhằm thẳng hướng Sài Gòn. Ông đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân lấy máy bay địch để đánh địch. Trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất thắng lợi ròn rã, rung chuyển Sài Gòn. Chiều 30 tháng 4 năm 1975, Phùng Thế Tài cùng Sơ chỉ huy nhẹ đã vào đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhận mệnh lệnh từ cấp trên, tại Sài Gòn, ông đã hoàn thành tốt việc tìm chọn địa điểm họp của Bộ Chính trị tiền phương mở rộng, đó là khu nhà của Tập đoàn dầu SHELL, sau này là T78, địa điểm phía Nam của trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức trọng thể lễ ra mắt chính quyền cách mạng vào ngày 7 tháng 5 năm 1975; Chuẩn bị chu đáo chuyên cơ đưa đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Bộ Chính trị vào Sài Gòn, tổ chức đón tiếp trọng thể tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Có thể khẳng định, trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phùng Thế Tài đã cùng đoàn công tác đặc biệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong Đại thắng Mùa xuân 1975.
Trong các lần trò chuyện, phỏng vấn Thượng tướng Phùng Thế Tài, chúng tôi đều cảm nhận rất rõ từ ông, vị tướng trận lừng danh với cá tính đặc biệt luôn gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt mà vẫn rất hồn hậu, hóm hỉnh, nhiều lúc câu chuyện ông kể khiến người nghe hết sức xúc động bởi sự chân thật và nhất là ý nghĩa sâu xa của nó. Xin được kết thúc bài viết này với Lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tập sách Thượng tướng Phùng Thế Tài - thân thế, cuộc đời và sự nghiệp (NXB Văn học, 2021) về ông:
“Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta.
Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia Cách mạng và Kháng chiến, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một Đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của Quân đội ta.
Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sáng tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình Cách mạng và Kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.
Thật là một nhận xét vô cùng chuẩn xác về Thượng tướng Phùng Thế Tài. Đây cũng là những gì sâu sắc nhất về vị tướng họ Phùng mà thế hệ sau ông nguyện học tập, noi theo.