Bộ Công Thương tổ chức các hội chợ, tạo liên kết bền vững cho sản phẩm nông sản. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Xuất khẩu mặt hàng nông, lâm sản của Việt Nam sụt giảm mạnh trong quý đầu năm. Còn trong nước, tình trạng nông sản được mùa-mất giá đã diễn ra trong nhiều năm qua ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người nông dân.
Vì vậy, để tạo hướng đi bền vững, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này, bên cạnh việc chuyên môn hóa để nâng cao giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được các cơ quan chức năng đẩy mạnh, nhằm kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hoá.
Xuất khẩu nhiều hàng nông sản đi xuống
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả xuất khẩu nông lâm, thủy sản trong quý 1/2023 chỉ đạt hơn 11 tỷ USD và giảm tới 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 22,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,5%... Đáng chú ý, ngoại trừ khu vực châu Á đạt 5,46 tỷ USD, tăng 9%, các thị trường khác như: châu Mỹ giảm 35,8%, châu Âu giảm 3%, châu Đại Dương giảm 25% và châu Phi giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm… tại thị trường trong nước cũng giảm nhiều trong tháng 2 và tháng 3 do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.
Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Ra Tết, sức tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà chậm, nhiều bếp ăn công nghiệp giảm do doanh nghiệp ngưng sản xuất, giảm ngày làm việc, người dân giảm chi tiêu do khó khăn… trong khi nguồn cung tăng nên giá các mặt hàng này đều có xu hướng giảm.
Như vậy, mặc dù là ngành hàng xuất khẩu có giá trị đóng góp lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm, song để tạo hướng đi bền vững cho sản phẩm nông, lâm sản của Việt Nam phải cần nhiều giải pháp căn cơ.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hải Dương cho rằng tiêu thụ nông sản thời gian qua vẫn gặp trở ngại xuất phát từ việc nhiều nơi sản xuất manh mún vẫn theo tập quán của người nông dân, chủ yếu bán cái mình có mà chưa nghiên cứu cái thị trường cần.
Hơn nữa, sự liên kết giữa doanh nghiệp phân phối với người nông dân còn tương đối lỏng lẻo, vì vậy việc hỗ trợ ngược lại về vốn, kỹ thuật thâm canh, bao tiêu sản phẩm, giống cây trồng... vẫn chưa được nhiều.
“Sở Công Thương đang cố gắng tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất, để từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho người dân,” ông nói.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hiện nay các thị trường nhập khẩu đều đưa những tiêu chuẩn cao đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu.
Do đó, để tiêu thụ thành công, ngay từ khâu quy hoạch phải đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn của nhà nhập khẩu, nếu không sẽ rất khó để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng này.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm, tìm hiểu, nắm vững nhu cầu, quy định, tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc, nhất là đối với nông sản, thủy sản để xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, xây dựng vùng sản xuất bền vững, tránh ồ ạt chuyển hướng khi thấy nhu cầu thị trường tăng cao vào một thời điểm nhất định", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm
Từ nhiều năm qua công tác xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông lâm thủy sản... Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng việc kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững, từ đó giảm thiểu các hiện tượng bếp bênh về thời vụ.
Nhiều sản phẩm vùng miền đã được tiêu thụ mạnh tại kênh siêu thị. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) chia sẻ, xuất khẩu bằng thương hiệu là một chặng đường không hề dễ dàng, với Honeco phải mất nhiều năm để tìm được hướng đi cho mình.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, bà Nga cho hay, mặc dù Việt Nam xuất khẩu rất lớn mật ong, nhưng chủ yếu là nguyên liệu chứ không phải xuất khẩu gắn với thương hiệu.
Vì vậy, để viết tên mật ong Việt Nam trên bản đồ thế giới, cùng với nhiều doanh nghiệp khác, Honeco đã lựa chọn sản phẩm mục tiêu, đặc trưng tiêu biểu của vùng miền, thế mạnh của quốc gia và có sản lượng lớn, cùng đó là tạo được nét đặc trưng cho sản phẩm trên thị trường và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng ở mức cao nhất, để có thể đi được vào các thị trường khó tính, cũng như phục vụ người tiêu dùng nội địa các sản phẩm cao cấp.
“Quan trọng nhất là Honeco xây dựng được quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra, nhất là từ các trang trại,” bà Nga nói.
Còn theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trái cây chủ lực của địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã được xây dựng và triển khai từ rất sớm. Đơn cử là việc tổ chức các lễ hội trái cây, hội chợ... Ngoài ra, địa phương cũng cử đoàn công tác đến các cửa khẩu làm việc với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp xuất khẩu, đưa sản phẩm nông nghiệp của Lục Ngạn ra thị trường nước ngoài.
Ngay tại thị trường trong nước, Lục Ngạn đã phối hợp với Sở Văn hoá, các công ty du lịch, lữ hành để xây dựng các tour tuyến đưa khách tham quan trải nghiệm tại vườn, vừa phát triển cây ăn quả lại gắn với du lịch qua đó quảng bá sản phẩm của địa phương và thúc đẩy tiêu thụ.
Cùng đó, mời gọi các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cung ứng lớn trên toàn quốc và nước ngoài đến liên kết chuỗi, đồng hành với người dân ngay từ đầu vụ để kết thúc vụ năm nay đã tính toán cho vụ năm sau để người dân đồng hành ngay nhằm có sản phẩm tốt, ổn định, lâu dài…
Về phía Bộ Công Thương, nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng chính sách xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho hay năm 2023 đơn vị đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ thông qua hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại, tổ chức hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần hàng lồng ghép với các sự kiện văn hoá, du lịch lớn.
Song song đó, tổ chức kết nối cung-cầu giao thương giữa nhà cung ứng địa phương với các đầu mối là doanh nghiệp thu mua về sản xuất, chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống phân phối… để thúc đẩy sức mua trên các kênh này.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các sàn Thương mại điện tử và Kết nối xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam nhằm đưa sản phẩm của Việt Nam qua các đại diện của họ.
“Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để hướng dẫn, định hướng việc sản xuất theo tín hiệu thị trường nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định và yêu cầu của thị trường,” bà Trịnh Huyền Mai nói.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm vùng miền đã có mặt tại các kênh phân phối. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Thông tin thêm, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đơn vị đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc sản vùng miền…
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ theo chiều sâu như đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí để đạt chứng nhận quốc tế cho sản phẩm như EuroGAP, VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu,” ông Vũ Bá Phú cho hay./.