Ảnh minh họa. |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng nay (23/10), ở khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to; Trung Trung Bộ, phía nam Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ cục bộ có nơi mưa to.
Dự báo, ngày 23/10, ở khu vực từ nam Nghệ An đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.
Ngày và đêm 23/10, ở khu vực phía nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Cảnh báo 12 khu vực tại Trung Bộ có nguy cơ lũ quét, sạt lở
Trong 12 giờ qua, khu vực các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa và Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to như: Lâm Thủy 161,6mm (Quảng Bình); Đại Lãnh 85,2mm; Vạn Bình 75,4mm (Khánh Hòa); Phước Chiến 46,4mm (Ninh Thuận);...
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, các chuyên gia nhận định, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Đáng chú ý, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Lệ Thủy, Minh Hóa (Quảng Bình); Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa); Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc (Ninh Thuận).
Để chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ở Trung Bộ, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Tổ chức vận hành và triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. |