Vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nguyễn Ánh Hiền
Tờ trình của dự thảo Luật Đất đai nêu việc soạn thảo được thực hiện theo một trong các quan điểm là: “Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp của nhân dân”.

203dat-5007-1680489959.jpeg

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy nhiên, đọc dự thảo Luật Đất đai chưa thấy thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc quan điểm này. Điều đó thể hiện ở một số điểm cơ bản sau đây: Khi đề cập tới nội dung của quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, thường người ta phải chỉ ra được vấn đề gì thuộc nhà nước Trung ương quản lý, vấn đề gì thuộc chính quyền địa phương quản lý, vấn đề gì cả Trung ương và địa phương cùng quản lý.

Làm rõ những vấn đề về quản lý

Theo đó, Điều 21 của dự thảo Luật Đất đai không phải là quy định nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Điều luật này mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai. Vì vậy, cần viết lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì là phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ, tức việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; những vấn đề gì cả hai cùng làm.

Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các chương sau.

Theo dự thảo Luật Đất đai, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (không kể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và đất an ninh). Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tiến hành từ trên xuống. Điều đó có nghĩa là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới, điều này chưa hợp lý. Nên chăng việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tiến hành từ dưới lên thì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới sát thực tế và khả thi.

Thực tiễn chỉ ra rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm. Liên quan đến vấn đề này, Điều 71 của dự thảo Luật Đất đai quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh quy định quá rộng và thiếu cụ thể cho nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt.

Tránh lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch

Đề nghị cần xem lại thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, theo hướng: Thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận, huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Không nên quy định như dự thảo Luật Đất đai cấp nào có thẩm quyền quy hoạch cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch.

Cùng với việc xem xét lại việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp trong quy hoạch và thay đổi quy hoạch, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thu hồi đất, thẩm quyền thẩm định giá đất thu hồi là những vấn đề còn rất nóng trong thực tế cần phải quy định rất chặt chẽ.

Dự thảo Luật Đất đai chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó cơ chế này bao gồm: cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.

Cơ chế này còn là tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Về phản biện xã hội là (kiểm soát trước quá trình xây dựng và hình thành chính sách pháp luật về đất đai). Đồng thời sau khi chính sách, pháp luật được hình thành thì giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thực tế.

Mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ, chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.

Tăng cường vai trò giám sát

Theo chúng tôi, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật Đất đai mà nên quy định trong tất cả các chương.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và chưa đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả, khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai.

Qua nghiên cứu, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, mà cần đưa vào các chương, trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương.

Trong đó quy định mỗi cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát như thế nào? Cơ chế kiểm soát và nội dung kiểm soát gồm những vấn đề gì? Tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ, ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân có thể khởi kiện do trái với Luật Đất đai và các luật có liên quan về đất đai.

Ngoài những vấn đề về phân cấp, phân quyền và kiểm soát quyền lực trong quản lý và sử dụng đất đai nêu trên, còn một nội dung trong dự thảo Luật này là vấn đề ủy quyền lập pháp. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để khắc phục tình trạng ủy quyền lập pháp quá nhiều trong một đạo luật.

Việc ủy quyền chỉ giao quy định chi tiết một điểm hoặc nhiều lắm là một khoản trong một điều luật và phải xác định rõ phạm vi và nội dung ủy quyền, không nên viết Chính phủ hay bộ quy định chi tiết khoản này như dự án luật lâu nay dẫn đến văn bản quy định chi tiết trái với luật.