Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.
vi-khuan-lao-trong-phoi-nguoi-benh-1711442642-1713500689.jpg
Ảnh minh họa

Công tác phòng, chống bệnh Lao tại Việt Nam thời gian vừa qua đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Năm 2015, Việt Nam đã là 01 trong 9 nước đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do Lao. Hệ thống y tế phòng, chống bệnh Lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động hiệu quả: tỷ lệ điều trị thành công cao (92% đối với người bệnh Lao nhạy cảm, trên 75% đối với người bệnh Lao kháng thuốc); tình trạng lây truyền Lao kháng thuốc trong cộng đồng từng bước được khống chế.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục. Ước tính Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc bệnh Lao và khoảng trên 13.000 người tử vong vì bệnh Lao hàng năm; là quốc gia đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh Lao, Lao kháng thuốc cao trên toàn cầu; ý thức chủ động phòng, chống và điều trị bệnh và sự quan tâm của người dân còn chưa cao.

Để có thể đạt mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh Lao vào năm 2030 theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, chính xác tình hình, các biện pháp phòng, chống và khả năng tiếp nhận điều trị người bệnh mắc lao để nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh lao.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; đưa báo cáo công tác phòng, chống Lao vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ hàng tháng của Bộ Y tế; cập nhật nội dung về thực trạng, các vấn đề về dân số, phòng, chống bệnh lao vào báo cáo kinh tế - xã hội gửi Quốc hội để đề xuất với Quốc hội về nguồn lực, chính sách triển khai.

Đồng thời, Bộ Y tế dự thảo nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh Lao, trên cơ sở đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao cho giai đoạn mới.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế tham gia và bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh Lao; nghiên cứu kết hợp tây y, đông y và y học cổ truyền trong điều trị bệnh Lao.

Bộ Y tế sớm có kế hoạch làm việc với 12 địa phương chưa có bệnh viện chuyên khoa Lao để thống nhất mô hình và ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống và điều trị bệnh Lao; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất đề án mô hình tổ chức phòng, chống bệnh Lao phù hợp (thành lập khoa, bệnh viện liên vùng,...) trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2024; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh Lao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2024.

Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình phòng, chống bệnh Lao, Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ xét nghiệm, phát hiện nhanh, huy động các nguồn kinh phí viện trợ để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Lao.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương rà soát các đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn, nhất là các đối tượng được chẩn đoán xác định mắc Lao để có giải pháp cho các đối tượng này được hưởng bảo hiểm y tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân Lao; thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống bệnh Lao.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch điều tra hiện mắc Lao toàn quốc vào năm 2025 để làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh Lao phù hợp, hiệu quả, tiến tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Lao phù hợp, hiệu quả cho các đối tượng đang quản lý tại trại giam, tạm giam, nhà tạm giữ và trong các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở tâm thần, cơ sở bảo trợ xã hội...

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường vào dịp 27/2 và 20/11 hằng năm dành thời gian nhất định để phổ biến về ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe trong đó có kiến thức về phòng, chống bệnh Lao; phối hợp với Bộ Y tế trong việc biên soạn tài liệu hướng dẫn về phòng, chống bệnh Lao cho từng cấp học.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai các chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh Lao tại các văn bản: (i) Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới"; (ii) Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao"; (iii) kiện toàn cơ quan phòng, chống bệnh Lao các cấp theo đúng quy định hiện hành và Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về gánh nặng bệnh Lao, vai trò công tác phòng, chống bệnh Lao và ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống bệnh Lao, các dấu hiệu mắc bệnh lao để tầm soát sớm, có các biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời.

Cơ quan trung ương của các đoàn thể: Hội người Cao tuổi Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,... tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin, kiến thức về phòng, chống bệnh Lao để trở thành hạt nhân, nòng cốt trong triển khai Chương trình phòng, chống bệnh Lao tại địa phương./.

Trước đó, ngày 25/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 25/CĐ-TTg gửi gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống bệnh Lao. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh Lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; gánh nặng do bệnh Lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh Lao là bệnh chữa khỏi được.
TCVĐ