Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Sơn mài Phúc Cường (Cụm công nghiệp Làng nghề Sơn mài Duyên Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội). |
Kết nối, phát triển du lịch làng nghề
Đến làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi không còn thấy tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề như nhiều năm trước đây, mà thay vào đó là không khí trong lành, cây cối xanh mát, đường làng, ngõ xóm yên ả, sạch đẹp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Duyên Thái, Đỗ Văn Hùng cho biết, trong quá trình hoạt động sản xuất sơn mài, rất nhiều rác thải, chất thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
Với quy mô hơn 150 hộ sản xuất, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng từ 500 đến 600 kg/ngày. Bên cạnh đó, các chất thải nguy hại như các thùng sơn, thùng dung môi, hộp mực in, ô nhiễm bụi gỗ, tiếng ồn, bụi sơn, hơi dung môi cũng gây ô nhiễm môi trường. Riêng nước thải phát sinh trong quá trình rửa các thiết bị, sản phẩm có chứa các chất gây ô nhiễm cũng khoảng từ 10 đến 20 m3/ngày đêm. Để hạn chế ô nhiễm, chính quyền và người dân đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường.
Xã Duyên Thái đã xây dựng trạm xử lý nước thải công nghiệp cho Cụm công nghiệp Làng nghề sơn mài Duyên Thái với công suất thiết kế 1.000 m3/ngày đêm, đủ khả năng xử lý tổng lượng nước thải của cả cụm công nghiệp. Hệ thống sử dụng công nghệ bùn hoạt tính, đã được ứng dụng tại nhiều nước châu Âu, không chỉ xử lý nước thải mà còn xử lý bùn thải, mùi.
Đối với chất thải rắn thông thường (mùn cưa, dăm bào), các hộ sản xuất thu gom, đóng bao rồi chuyển đi bán cho các cơ sở sản xuất gỗ ép. Đối với chất thải nguy hại, địa phương giao trách nhiệm tới từng hộ gia đình thu gom, bố trí kho lưu chứa và xử lý theo quy định. Giải được bài toán phát triển làng nghề truyền thống ít gây ô nhiễm môi trường đã khiến xã Duyên Thái trở thành điểm sáng của huyện trong công tác phát triển làng nghề hiện nay.
Theo định hướng của huyện Thường Tín, hiện tại xã Duyên Thái đã quy hoạch cụm điểm công nghiệp làng nghề 12,4 ha, bố trí điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, bãi đỗ xe và tuyến xe buýt để thuận tiện cho việc đón khách tới tham quan, mua sắm và trải nghiệm làng nghề. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch từ thế mạnh làng nghề.
Với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng, huyện Thường Tín đang nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất điểm nhấn cho du lịch của huyện, với việc quy hoạch làng nghề Duyên Thái, xây dựng các tour, tuyến tới các làng nghề có thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề như: Làng nghề lược sừng Thụy Ứng, nghề mộc Vạn Điểm, nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, bánh dày Quán Gánh…
Huyện Phú Xuyên nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có những làng nghề có lịch sử lâu đời như: Khảm trai Chuyên Mỹ, đồ mộc mỹ nghệ Đại Nghiệp, đan cỏ tế Phú Túc... Tất cả 154 làng, cụm dân cư đều có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố công nhận. Nhiều làng nghề mang nét đặc trưng cao như: đan cỏ tế, khảm trai sơn mài, may mặc, thêu, cào bông. Huyện Phú Xuyện hiện có hai điểm du lịch đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch: Làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và làng nghề may Vân Từ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, Nguyễn Mạnh Huy cho biết, huyện phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển.
Huyện phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, Nguyễn Mạnh Huy |
Để huyện Phú Xuyên trở thành điểm đến du lịch làng nghề truyền thống hấp dẫn thu hút du khách, các chuyên gia trong ngành du lịch nhận định, huyện cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các sản phẩm dịch vụ ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm gắn với đời sống nông thôn. Đồng thời kết nối tour, tuyến với điểm đến du lịch của các địa phương lân cận như Thường Tín (Hà Nội) và tỉnh Hà Nam.
Hiện nay, Hà Nội cũng đã quy hoạch xây dựng hoàn thiện được hai điểm du lịch làng nghề nổi tiếng gồm Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và nghề Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) để thúc đẩy hoạt động du lịch làng nghề, đón du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất và mua sắm sản phẩm. Việc bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề ở mỗi địa phương đang góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2023, Hà Nội phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với tất cả các làng nghề đã được công nhận và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định.
Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành các chỉ tiêu: 100% lượng chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% số làng nghề được công nhận, đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% số làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Bàn về các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết, cần xây dựng phương án xử lý nước thải cho làng nghề theo hình thức phù hợp đặc điểm thực tế địa phương, như đầu tư xây dựng mới trạm xử lý nước thải; đầu tư kết nối hạ tầng thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung của khu vực lân cận.
Cần xây dựng phương án xử lý nước thải cho làng nghề theo hình thức phù hợp đặc điểm thực tế địa phương, như đầu tư xây dựng mới trạm xử lý nước thải; đầu tư kết nối hạ tầng thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung của khu vực lân cận. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chí |
Di dời các công đoạn sản xuất hoặc hộ sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu vực làng nghề ra khỏi khu vực dân cư tập trung để thực hiện phương án thu gom, xử lý chất thải tập trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất nghề trong khu vực làng nghề bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra chất lượng môi trường đối với các làng nghề nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, ô nhiễm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Rà soát, xây dựng ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ công tác xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp quy định của pháp luật. Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư đối với danh mục xây dựng các trạm xử lý nước thải làng nghề tại các làng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án cụm, khu công nghiệp làng nghề giúp các hộ kinh doanh mở rộng quy mô và sản xuất tập trung; quan tâm các dự án xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật làng nghề.
Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường tại một số cụm, điểm công nghiệp làng nghề; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải tập trung cho các cụm công nghiệp. Quy hoạch đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề ra các khu vực tập trung, xa dân cư để có các biện pháp xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn cho phù hợp.
Hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn thành phố xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tập trung của làng nghề; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước để sản phẩm của các làng nghề có cơ hội mở rộng thị phần và xuất khẩu sang các nước.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Mai Trọng Thái cho biết, Sở đã báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường vai trò, trách nhiệm về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022; nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề có hiệu quả, thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề theo quy định ■
NHÓM PHÓNG VIÊN