Xuất khẩu rau quả trong năm 2023 dự kiến đạt khoảng 5,6 tỷ USD

Vũ Xuân Kiên
Tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 375,478 triệu USD, giảm 38,4% với tháng trước (tháng 10/2023 đạt 608,790 triệu USD) và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022.
sau-rieng-1701945133.jpg
Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 5,5-5,6 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.

Tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 375,478 triệu USD, giảm 38,4% với tháng trước (tháng 10/2023 đạt 608,790 triệu USD) và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 11 tháng 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ 11 tháng 2022.

Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 66%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ở chiều ngược lại, tháng 11/2023, Việt Nam nhập khẩu 153,696 triệu USD rau quả, giảm 5,6% so với tháng 10 và giảm 0,7% so với cùng kỳ. Sau 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu 1,77 tỷ USD, giảm 5,8 % so với cùng. Như vậy, giá trị xuất siêu rau quả 11 tháng 2023 đạt trên 3,4 tỷ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết 2 tháng gần đây, xuất khẩu rau quả có xu hướng giảm do Việt Nam hết mùa sầu riêng. Hiện chỉ còn sản lượng rất ít ở Gia Lai và sầu riêng trái vụ ở miền Tây.

Riêng mặt hàng sầu riêng, trong 10 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 2,076 tỷ USD, tăng trên 500% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, cũng từ tháng 10, vụ sầu riêng Tây Nguyên đi vào cuối vụ.

Hiện đang vào trái vụ sầu riêng vụ ở miền Tây nhưng cũng cho sản lượng không cao nên giá sầu thời gian gần đây liên tục tăng. Hiện giá sầu đang khoảng 150.000 đồng/kg. Năm ngoái, giá sầu riêng nghịch vụ đã lên tới 200.000 đồng/kg.

Do cuối vụ, xuất khẩu chậm lại nên Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt 2,3 tỷ USD.

Ngược lại, thanh long đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt từ nay cho đến Tết Nguyên đán khi nhu cầu mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng cao. Sản lượng thanh long nội địa Trung Quốc cũng sẽ giảm do sản lượng giảm bởi đã vào mùa Đông. Nên nhu cầu nhập khẩu thanh long của Trung Quốc sẽ tăng.

Nhưng sau thời gian bị thua lỗ thì sản lượng thanh long cũng giảm do diện tích giảm, nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Bởi vậy, sản lượng xuất khẩu thanh long cũng không không thể bằng những năm trước, ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau quả kỳ vọng có tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sầu riêng thì sẽ phải từ tháng 4/2024, khi sầu riêng miền Tây vào chính vụ.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, chia sẻ tín hiệu xuất khẩu rau quả rất tốt. Doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 30 mặt hàng rau quả sang trên 20 quốc gia.

Các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp đó là vải thiều, cà rốt của Hải Dương… Riêng sầu riêng, doanh nghiệp cũng đã tham gia xuất khẩu rất lâu, không chỉ sang Trung Quốc mà còn sang Nhật Bản đã được 5 năm.

Ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết khi Trung quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, doanh nghiệp cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Doanh nghiệp đang tập trung phát triển sản phẩm sầu riêng.

Đặc biệt, vừa qua doanh nghiệp tham gia đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã được tiếp cận với các tập đoàn, doanh nghiệp nhập khẩu lớn của Trung Quốc chuyên về sản phẩm sầu riêng chế biến.

Qua đây cũng cho thấy, tín hiệu về thị trường sầu riêng chế biến rất tốt sẽ góp phần tăng thêm giá trị xuất khẩu mảng trái cây. Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cũng định hướng phát triển mạnh mảng sản phẩm này.

Hiện đang vào vụ cà rốt Hải Dương, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết doanh nghiệp đang tập trung mạnh vào nhóm sản phẩm này sang các thị trường. Sản phẩm cà rốt doanh nghiệp đưa sang được khách hàng các nước đón nhận và phản hồi rất tích cực. Riêng sản lượng xuất khẩu cà rốt sang thị trường Hàn Quốc hàng năm đều tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, sắp tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký nghị định thư cho sản phẩm dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu theo nghị định thư.

Thứ trưởng kỳ vọng khi triển khai được các nghị định thư này sẽ đóng góp thêm vào xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Thị trường mở rộng, các ngành hàng cần thực hiện nghiêm chỉnh theo các nghị định thư đã ký kết./.