12 tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân vào vòng chung khảo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII

Nguyễn Ánh Hiền
Ngày 8-11, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã công bố 12 bộ phim do đơn vị thực hiện đã vào vòng chung khảo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn ra từ ngày 21 đến 25-11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trong đó có 9 phim tài liệu, 3 phim khoa học.

Điện ảnh Quân đội luôn là hãng phim đi đầu trong sản xuất phim tài liệu về đề tài chiến tranh. Tham dự vòng chung khảo, Điện ảnh Quân đội có 4 phim tài liệu đề cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những khía cạnh mới; đó là những ký ức, suy tư về Chiến dịch Khe Sanh qua lăng kính một thanh niên trẻ thế kỷ 21 trong phim “Trở về Khe Sanh”; là khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong phim “Bầu trời của hòa bình”. Phim “Hóa giải” đề cập đến cuộc hội ngộ của những phi công Việt Nam và Hoa Kỳ từng tham gia chiến tranh; từ đó thể hiện sự đúng đắn của việc hóa giải hận thù, xây dựng hòa bình của những người lính hai bên, rộng hơn là của hai dân tộc. Phim “Khát vọng thiên thanh” ca ngợi thế hệ phi công có khát vọng mãnh liệt bảo vệ bình yên cho bầu trời Việt Nam.

dien-anh-2-1699495026.jpg
Cảnh trong phim “Khát vọng thiên thanh”.

Về đề tài thương binh liệt sĩ và hậu chiến, Điện ảnh Quân đội có 2 tác phẩm đặc sắc. Phim tài liệu “Niềm tin” kể về trường hợp đặc biệt của quân nhân Đặng Thành Tuấn ở Bình Định, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã viết tâm thư bằng máu để xin ra trận rồi hy sinh. Chiến tranh kết thúc, giấy tờ thất lạc, hơn nửa thế kỷ qua, gia đình, các cán bộ chính sách, các tình nguyện viên vẫn đi tìm đồng đội của ông cũng như các thông tin liên quan để chứng minh sự hy sinh của thân nhân mình; từ đó khẳng định niềm tin vững chắc vào những phẩm chất cao đẹp của người lính, niềm tin rằng Đảng, Quân đội và nhân dân không bao giờ quên những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Phim “Suối nguồn” đã thành công trong việc xây dựng hình tượng người lính vẫn vẹn nguyên những phẩm chất cao quý sau khi rời quân ngũ. Phim kể về một cựu chiến binh sau khi xuất ngũ đã dành hơn ba thập kỷ cần mẫn xây dựng những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; dùng tình thương và tấm gương sống, lao động của mình làm "suối nguồn" để hàng trăm đứa trẻ trưởng thành.

dien-anh-1699495049.jpg
Cảnh trong phim khoa học "Bốn tại chỗ trong phòng, chống bão lũ".

Đối với đề tài về người lính hôm nay, Điện ảnh Quân đội tham gia Liên hoan phim với hai bộ phim mang hai sắc thái khác nhau. Phim “Thanh âm đại ngàn” đi sâu phản ánh người lính trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Người lính trong phim không chỉ mạnh mẽ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mà đã hòa nhịp cùng người dân Tây Nguyên phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng.

Trong phim “Thép trong lòng biển sâu”, hình ảnh người lính được phản ánh rất mạnh mẽ và dạn dày bản lĩnh khi trải qua biết bao gian khổ, khó khăn. Phim nói về lực lượng tàu ngầm của Quân đội nhân dân Việt Nam, một lực lượng mới, hiện đại. Khi xem phim, khán giả thấy rõ những gian khổ mà người lính trải qua khi huấn luyện làm chủ tàu ngầm.

3 phim khoa học tham dự Liên hoan Phim của Điện ảnh Quân đội đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Phim “Bốn tại chỗ trong phòng, chống bão lũ” phân tích sâu về phương châm “Bốn tại chỗ” ứng dụng trong phòng, chống bão lũ. Phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” được hoàn thành đúng thời điểm đất nước ta xảy ra những vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hạ, vấn đề phòng, chữa cháy được toàn xã hội quan tâm.

Với những tác phẩm đa dạng, phong phú về người lính tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò là một đơn vị làm phim uy tín về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, góp phần đưa hình ảnh người lính đến với đông đảo khán giả và nhân dân.