Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 13 bậc chỉ số PAPI so năm 2021

Nguyễn Ánh Hiền
Ngày 12/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022. Tham dự, có đại diện lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn trong nước và quốc tế.

a-1-4-4640-1681357092.jpg

Các chuyên gia tham gia trao đổi các vấn đề liên quan đến báo cáo PAPI.

Năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 41, 9929 điểm tăng 1,3783 điểm so năm 2021, xếp vị trí thứ 34, tăng 13 bậc so năm 2021 (năm 2021 xếp vị trí thứ 47). Trong 8 chỉ số nội dung thì có 7 chỉ số tăng điểm so năm 2021, chỉ có 1 chỉ số giảm điểm.

Cụ thể, 7 chỉ số tăng điểm gồm: chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,3235 điểm (tăng 0,0502 điểm); chỉ số công khai, minh bạch trong ra quyết định đạt 5,1835 điểm (tăng 0,1484 điểm); chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,2505 điểm (tăng 0,0058 điểm); chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,9530 điểm (tăng 0,4898 điểm); chỉ số thủ tục hành chính công đạt 7,0796 điểm (tăng 0,3326 điểm); chỉ số quản trị môi trường đạt 3,1973 điểm (tăng 0,1155 điểm); chỉ số quản trị điện tử đạt 3,1477 (tăng 0,3805 điểm). Chỉ số cung ứng dịch vụ công (đạt 7,8579 điểm) là chỉ số nội dung duy nhất giảm điểm, giảm 1,444 điểm so năm 2021.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức cũng đã công bố top 5 các tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI cao nhất cả nước lần lượt như sau: Quảng Ninh (47,8763 điểm); Bình Dương (47,488 điểm); Thanh Hóa (46,0154 điểm); Ninh Thuận (46,0002 điểm); Thừa Thiên Huế (45,3845 điểm).

Phát biểu tại lễ công bố, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009.

Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

14 năm qua chương trình nghiên cứu PAPI đã có những tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính - một trong ba bước đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện.

anh-2-2-8393-1681357120.jpg

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận chứng nhận PCI tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ lễ công bố, các đại biểu còn được nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày các tham luận như: xu thế hiệu quản trị và hành chính công cấp quốc gia; tác động của di cư tới hiệu quả quản trị công và hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến; một số nghiên cứu từ khảo sát thí điểm với người khuyết tật về quản trị hành chính công cấp tỉnh...

Trước đó ngày 11/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ Công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 4, góp mặt trong tốp 5 các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất cả nước với 70,26 điểm, tăng 5 bậc so năm 2021. Đây là mức cao nhất Bà Rịa-Vũng Tàu đạt được trong nhiều năm qua. Kết quả này giúp Bà Rịa-Vũng Tàu vươn lên vị trí thứ 1 trong khu vực Đông Nam Bộ.

Với những mô hình “Ngày thứ năm không chờ”, “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn” của Bà Rịa-Vũng Tàu đang được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Đơn cử, trong “Ngày thứ năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.