Bảo đảm công bằng trong cơ hội giáo dục cho học sinh

Vũ Xuân Kiên
Tình trạng thiếu trường công lập tại TP Hà Nội đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, gây áp lực lớn đối với học sinh và các bậc cha mẹ. Nhiều bạn đọc cho rằng, TP Hà Nội cần khẩn trương xây dựng thêm các trường công lập và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất để bảo đảm công bằng trong cơ hội giáo dục cho tất cả học sinh.

Sau bốn năm học trung học cơ sở (THCS), kỳ thi tuyển vào trung học phổ thông (THPT) là bước ngoặt quan trọng đối với mỗi học sinh. Năm nay, Hà Nội có gần 130.000 học sinh được xét công nhận tốt nghiệp bậc THCS, trong đó hơn 115.000 em tham gia kỳ thi vào THPT. Ngay sau khi Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn, đã có hơn 33.000 học sinh không có cơ hội nhập học tại các trường THPT công lập trên địa bàn. Việc này gây ra những khó khăn, áp lực lớn cho các bậc cha mẹ và học sinh.

4-2-5431-1689736983.jpg
Cha mẹ học sinh xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội). (Ảnh NGỌC CHÂU)

Trong mấy ngày qua, với số lượng hồ sơ đăng ký vào các trường ngoài công lập tăng cao. Chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế, các trường tư thục đồng loạt tăng điểm chuẩn, càng tăng thêm áp lực cho các bậc cha mẹ và học sinh trong việc tìm kiếm cơ hội học tập. Theo thông báo của Trường THPT Hoàng Cầu; Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu, nhà trường bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ 8 giờ ngày 5/7, nhưng ngay trong đêm 4/7, hàng trăm người đã túc trực trước cổng trường chờ đợi được nộp hồ sơ nhập học cho con vì lo lắng nhà trường sẽ dừng tiếp nhận khi tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Phạm Minh Ðức là học sinh một trường THCS thuộc quận Hoàn Kiếm có thành tích học tập bốn năm khá giỏi, đã trượt cả ba nguyện vọng vào trường công lập, dù điểm thi của em đạt 40,5 điểm. Ngay sau khi biết điểm, chị Ngọc Diệp đôn đáo tìm trường ngoài công lập cho con học. Sau nhiều giờ xếp hàng chờ đến lượt mình, cuối buổi sáng 5/7, chị Diệp may mắn đăng ký được cho con học tại Trường THCS &THPT Tạ Quang Bửu.

Trước đó, sáng sớm 4/7, hàng trăm người đứng trước cổng Trường THPT Phan Huy Chú xếp hàng chờ nộp hồ sơ nhập học cho con, nhiều người cho biết đã đến đây từ 2-3 giờ sáng. Ðến 8 giờ sáng cùng ngày, nhà trường có thông báo dừng tuyển sinh vào lớp 10 vì đã nhận đủ chỉ tiêu. Rất nhiều người thất vọng ra về.

Việc phải thức trắng đêm xếp hàng, chờ đợi để nộp hồ sơ cho con, đã gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của các bậc cha mẹ. Hơn nữa, tình trạng này còn tạo ra sự không công bằng đối với những bậc cha mẹ học sinh không có điều kiện, thời gian đến sớm và những người thực hiện theo đúng thông báo của nhà trường là bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ 8 giờ.

Trượt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 trường công lập, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, bố bị tai nạn không còn khả năng lao động, mẹ là công nhân may mặc, em Phạm Gia Huy, quận Hai Bà Trưng đã rất vất vả tìm kiếm ngôi trường dân lập có mức học phí phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Cuối cùng, Gia Huy quyết định đăng ký học tại Trường THPT Ðông Kinh, nơi có mức học phí từ một triệu đến hai triệu đồng/tháng, để phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Giống như hoàn cảnh của gia đình Huy, rất nhiều người đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các trường tư thục vừa bảo đảm môi trường học tập tốt cho con mình, vừa phù hợp hoàn cảnh kinh tế gia đình.

tt-moi-4367-1689736983.jpg
Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội. (Ảnh TTXVN)

Với 117 trường THPT công lập, đáp ứng khoảng 72.000 học sinh mỗi năm, hiện Hà Nội chỉ có thể tiếp nhận được 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT công lập. Bên cạnh đó, thành phố có 119 trường tư thục và trường công lập tự chủ, đáp ứng khoảng 30.000 học sinh; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các trường nghề, đáp ứng khoảng 30.000 học sinh.

Thầy Vũ Quý, giáo viên một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, việc loại một số lượng lớn học sinh khỏi trường công lập dựa trên kết quả kỳ thi tuyển vào THPT có thể gây ra sự không công bằng trong cơ hội giáo dục cho các em. Thực tế, rất nhiều em có học lực khá giỏi, mong muốn được học trường công lập, nhưng do thiếu một chút may mắn, do năm nay điểm chuẩn các trường tăng cao, nên các em trượt tất cả nguyện vọng. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện học tập ở các trường dân lập chất lượng cao. Ðiều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và tương lai của các em.

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu trường công lập là do dân số Hà Nội tăng nhanh, nhưng số lượng trường học tăng không đáng kể, vì vậy không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng này cũng là hệ quả của sự chênh lệch trong đầu tư giữa trường công lập và trường dân lập.

Ðể bảo đảm công bằng trong cơ hội giáo dục, TP Hà Nội cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng giáo dục, nhất là ở các khu vực đang phát triển, dân số tăng cao. Việc xây dựng thêm các trường công lập và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, mở rộng hệ thống trường ngoài công lập, sẽ tạo điều kiện cho tất cả các em có cơ hội học tập ở trình độ THPT.

Trước, trong và sau mỗi kỳ tuyển sinh, cần tăng cường việc cung cấp thông tin và hướng dẫn cho phụ huynh có lựa chọn tốt nhất cho con em mình. Công tác tuyển sinh của các trường cần được cải tiến, đăng ký tuyển sinh trực tuyến thay vì tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong quy trình tuyển sinh.