Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên (sau đây gọi tắt là người học) gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở GDĐT, sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, TP phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, quy trình chế biến, vận chuyển thực phẩm; tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục – Y tế, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trường học.
Trước đó, ngày 20/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Thông cáo báo chí về Vụ việc ngộ độc tập thể tại Trường tiểu học, THCS&THPT Ischool Nha Trang. Theo văn bản của tỉnh cho biết, ngày 17/11, tại Trường Ischool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh được chia làm 2 suất: suất 1 ăn lúc lúc 10h30’, suất 2 ăn lúc 11h30’ gồm các món ăn: Cơm gà + xốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh, dưa leo; bữa ăn xế lúc 13h30’ (bánh ngọt Paparoti); uống nước tại hệ thống lọc nước của trường. Khoảng 5 giờ sau khi ăn, một số em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, đến khoảng 22h00’ ngày 17/11 xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn. Đến 22h30’, các em được người nhà đưa đi nhập viện tại các Bệnh viện trong thành phố.
Tính đến 11h00’ ngày 21/11, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 648 ca bệnh liên quan đến vụ việc, tổng số ca đang điều trị là 211 ca, trong đó có 01 ca tử vong là học sinh lớp 1, có quốc tịch nước ngoài. Qua đó, UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương chỉ đạo các cơ quan sở ban ngành, đơn vị có liên quan phối hợp, điều tra nguyên nhân vụ việc, kiểm tra, rà soát, ổn định tình hình, kiên quyết thực hiện các biện pháp xử lý vụ việc. Đồng thời, sáng 21/11, lãnh đạo tỉnh cũng đã đến nhà chia buồn cùng gia đình học sinh tử vong vì ngộ độc thực phẩm.
Theo kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận, tác nhân khiến hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang ngộ độc, một trẻ tử vong là vi khuẩn Salmonella – một loại vi khuẩn nhạy với phần lớn kháng sinh. Tác nhân này là thủ phạm thường thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Dấu hiệu khởi phát thường gồm sốt, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy... Khuẩn này có nhiều trong thực phẩm như trứng gà, rau sống, thực phẩm tươi sống.