Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công

Vũ Xuân Kiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc giục thời gian kết thúc niên độ ngân sách năm 2022 không còn nhiều, do đó bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

“Còn hơn một tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, theo đó các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao.”

Nhấn mạnh yêu cầu trên đồng thời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương chỉ ra tiến độ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (từ đầu năm đến ngày 30/11) mới đạt 338.320 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

dau-tu-cong-1671375571.jpg
Hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023.” ngày 17/12. (Ảnh: Vietnam+)

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Ngày 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức,” Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023.”

Tại đây, các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả và hạn chế tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công đồng thời đề xuất những giải pháp trong thời gian tới, tạo động lực tăng trưởng cho năm tới.

Là một trong những Bộ có tỷ lệ giải ngân cao, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết ngành đã thực hiện đầu tư khoảng 40.700 tỷ đồng (đạt khoảng 74%) và dự kiến cả năm 2022 phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, tương ứng khoảng 53.000 tỷ đồng và bảo đảm đúng mục tiêu.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Dũng nhấn mạnh tiến độ, chất lượng, giá thành và hiệu quả đầu tư các dự án hạ tầng giao thông phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố tiến độ giải phóng mặt bằng; điều kiện cung cấp vật liệu, địa chất công trình, thời tiết của các vùng miền; năng lực thực hiện của các chủ thể; khả năng cân đối, huy động vốn để thực hiện dự án.

“Kinh nghiệm cho thấy khi có sự quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trong cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện, các dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư,” ông Dũng nói.

Đến thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận tỷ lệ giải ngân khoảng 86% tổng số vốn giao và cao hơn gấp 1,6 lần của năm 2021 (cụ thể, năm 2022 là 32.200 tỷ đồng, năm 2021 là 19.700 tỷ đồng).

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn phát sinh từ các yếu tố chủ quan giữa các cơ quan đơn vị chủ đầu tư, các sở ban ngành, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh đó, Thành phố đã thành lập 3 tổ công tác nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đối với từng loại, lĩnh vực các dự án (Tổ công tác về giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; Tổ Công tác rà soát các dự án được giao vốn lớn nhưng giải ngân chậm; Tổ Công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án).

“Dự kiến tỷ lệ giải ngân kết quả đầu tư công năm 2022 của Thành phố đạt khoảng 86% tổng số vốn giao,” ông Chánh nói.

Triển khai kế hoạch 700.000 tỷ đồng

Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 công thêm yêu cầu giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu và chưa xử lý được trong thời gian ngắn (như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu).

Do đó, ông Phương yêu cầu các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao và trách nhiệm hơn nữa.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp trọng tâm, bao gồm thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư-thực hiện dự án, kiểm tra, trên cơ sở khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022.

“Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, từ đó kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công,” Thứ trưởng Phương nhấn mạnh./.