Bộ máy chính quyền Hà Nội sau khi sửa Luật Thủ đô thay đổi thế nào?

Nguyễn Ánh Hiền
Một trong những nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội với những quy định trao quyền mạnh mẽ cho thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và các quy định thu hút nhân tài...

TP Hà Nội sẽ không có Hội đồng nhân dân phường

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước Quốc hội vào chiều nay (10-11), TP Hà Nội sẽ thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường.

Đồng thời, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

can-bo-cong-chuc-1699669994.jpg
Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội sẽ thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường. Ảnh minh họa: TTXVN

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định về đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố và Hội đồng nhân dân quận, thị xã.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, TP Hà Nội nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng (đó là, không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận và phường).

Đề xuất giữ nguyên và ổn định bộ máy chính quyền thành phố như nhiệm kỳ 2021-2026

Theo ghi nhận tại phiên thảo luận tại tổ chiều nay (10-11) về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ; nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực như các nghị quyết của Đảng đã yêu cầu.

Góp ý về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô (Chương II), đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

"Tôi đồng ý việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật", đại biểu nói.

ta-thi-yen-1699670025.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, dự thảo luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng đây là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc tăng từ 2 lên 3 Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố và mở rộng thành phần của Thường trực Hội đồng nhân dân so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của Hội đồng nhân dân thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này.

"Tôi đồng ý với quy định tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách lên 25%, theo đó tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu với lý do Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số đông thứ 2 cả nước", đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số thì các hình thức, phương pháp, công cụ đại diện cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.