Vụ cháy rừng xảy ra ở khoảnh 1, tiểu khu 1018, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn từ sáng ngày 12/7 đến sáng ngày 13/7/2023 đã thiêu rụi hơn 10ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tàn thuốc lá được nhận định là nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng nghiêm trọng này. Ảnh: Quang Lịch |
Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 đưa ra cảnh báo cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 27/4 đến ngày 2/5 từ Cấp III (cấp cao) đến Cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Nghệ An, vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung tại hơn 15.000ha rừng trồng thông nhựa; 720ha rừng hỗn giao bạch đàn (là loài cây có tinh dầu, dễ cháy, khả năng bắt lửa rất nhanh) tập trung tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Ngoài ra, còn có hơn 42.647,87ha rừng tre nứa và 174.277,07ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp do giáp ranh với diện tích sản xuất nương rẫy, phát xử lý thực bì trồng rừng, đốt đồng cỏ chăn nuôi của bà con các đồng bào các dân tộc thiểu số.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hồi đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã lắp đặt thêm 7 camera ở các vùng rừng thông trọng điểm của 4 huyện, gồm: Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn và Đô Lương.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 12 camera giám sát rừng. Việc đưa hệ thống camera giám sát này vào sử dụng đã giảm bớt những khó khăn, vất vả cho các lực lượng gác trực tại các chòi canh lửa trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt, đặc biệt là phát hiện sớm có cháy để triển khai ứng phó kịp thời.
Gắn biển cấm lửa, cảnh báo khu vực dễ xảy ra cháy rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong. |
Năm 2023, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 14 vụ cháy gây thiệt hại về rừng với tổng diện tích rừng bị thiệt hại 14,3252ha.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho hay, hầu hết các vụ cháy rừng đều xuất phát từ nguyên nhân như: một số người dân sử dụng lửa bừa bãi, thiếu ý thức; dùng lửa đốt tổ ong lấy mật; đốt thực bì không đúng quy trình, quy định; thiếu kiểm soát khi đốt vàng mã ở các nghĩa trang gần rừng…
Theo ông Minh, khu vực rừng trồng thông nhựa đa số ở cấp tuổi IV - V, đã khép tán và đến tuổi khai thác nhựa, thảm thực bì dày, khô, tập kết thành nguồn vật liệu cháy dưới tán rừng, nên khi gặp lửa rất dễ xảy ra cháy rừng lớn với tốc độ lan nhanh. Việc xử lý vật liệu cháy trước mùa cháy nhất là đối với các khu vực diện tích rừng thông đã được thực hiện, tuy nhiên diện tích xử lý mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, chiếm khoảng 40% diện tích trong tổng số hơn 15.000ha rừng thông dễ cháy.
Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 nâng mức độ cảnh báo cấp cháy rừng từ cấp cao đến cấp cực kỳ nguy hiểm. |
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các huyện, thành, thị xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phương án tác chiến chỉ huy, hợp đồng lực lượng, phương tiện, dụng cụ trên địa bàn để chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra với sự tham gia phối hợp của các đơn vị đóng trên địa bàn như quân đội, công an, chủ rừng, hạt kiểm lâm, dân quân tự vệ, các tổ đội thôn, xóm...
Ông Thái Minh Hiệp, Hạt trưởng Kiểm lâm Con Cuông cho biết, với hơn 138.000ha rừng; trong đó, 74.000ha rừng đặc dụng, 18.000ha rừng phòng hộ và 58.000ha rừng sản xuất, để chủ động bảo vệ rừng trong mùa khô hanh, Hạt đã triển khai nhiều biện pháp, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, học sinh trên địa bàn nâng cao ý thức trong phòng chống cháy rừng. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng như nội quy phòng chống cháy rừng.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đại diện Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương có diện tích rừng lớn nhưng lực lượng kiểm lâm mỏng khiến việc kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguy cơ cháy rừng hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, phương tiện, thiết bị cho lực lượng chữa cháy như: cưa xăng, máy thổi, máy cắt thực bì, camera giám sát phát hiện sớm, flycam... còn hạn chế. Việc đầu tư tu bổ, làm mới công trình như: đường băng cản lửa, chòi quan sát, hệ thống dự báo, cảnh báo cháy rừng... cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế do thiếu nguồn kinh phí.
Việc bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. |
“Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”
Trước nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, ngày 19/4 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cũng đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tại Công điện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thực hiện kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể, chi tiết đầy đủ bảo đảm sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cùng với đó, tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt thời kỳ cao điểm, các ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao. Rà soát, lập danh sách các khu rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, Khu lâm viên núi Quyết, Khu vực Đền Cuông...).
Kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.
Công điện nêu rõ, khi cháy rừng xảy ra, yêu cầu lãnh đạo địa phương phải kịp thời có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy.
Đặc biệt, đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, phải có phương án sẵn sàng, chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Nghiêm cấm, đình chỉ tất cả các hoạt động đốt nương làm rẫy, các hoạt động khác phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu nếu để xảy ra cháy rừng không ứng cứu kịp thời, gây ra thiệt hại lớn…
Lực lượng đoàn viên thanh niên ra quân xử lý thực bì khu vực rừng thông trên địa bàn huyện Yên Thành. |
Trước đó, để chủ động phòng ngừa thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 27/3/2024, yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các chủ rừng triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trên địa bàn.
Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Chỉ thị đó là thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chỉ đạo các chủ rừng, ủy ban nhân dân các xã rà soát kỹ và xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng phương châm 4 tại chỗ: “Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành cho thấy, cả nước hiện có 14.860.309ha; trong đó rừng tự nhiên 10.129.751ha và rừng trồng 4.730.557ha. Trong số các tỉnh có rừng trên toàn quốc, Nghệ An là địa phương có diện tích rừng lớn nhất với 1.018.788ha, trong đó rừng tự nhiên là 790.353ha và 228.435ha rừng trồng. |
TRẦN TRUNG HIẾU