Vừa qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk đã phá thành công chuyên án, bắt một đối tượng có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi cho chủ quán dịch vụ nhạy cảm (massage kích dục) từ tỉnh Đắk Lắk xuống tỉnh Bình Dương. Theo đó, do có nhu cầu việc làm, em N sinh năm 2008, trú tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lên mạng xã hội Facebook và Zalo để tìm kiếm. Thấy lời giới thiệu trên Facebook Trịnh Đình Dũng có công việc pha chế và bưng bê trà sữa, cà phê với mức lương 8 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, N thấy phù hợp nên nhắn tin trao đổi. Về đối tượng, sau khi nhắn tin qua lại, thấy “con mồi” đã cắn câu, liền hướng dẫn N đi xe khách xuống Bình Dương. Đi với N còn có H, sinh năm 2009, cùng trú tại huyện Ea Súp. Khi đến tỉnh Bình Dương, đối tượng Dũng đã đón các em đến quán cà phê giao cho một người đàn ông tên Lợi, sau đó rời đi. Tại đây, các nạn nhân bị đối tượng Lợi yêu cầu "học việc" massage kích dục để phục vụ khách. Lúc này, N và H mới biết mình bị lừa. Không muốn "học việc" nhưng do bị Lợi đe dọa, kiểm soát chặt chẽ, N và H lo sợ đành phải thực hiện theo. Theo như lời kể của nạn nhân, sau đó do không chịu phục vụ khách nên các em bị đối tượng Lợi yêu cầu trả 8 triệu đồng/người, còn không phải làm hết hợp đồng 4 tháng và phải quan hệ tình dục với người đàn ông này...
Đối tượng Nguyễn Văn Thương tại cơ quan điều tra. |
“Sau khi tiếp nhận nguồn tin, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xác định có dấu hiệu hoạt động của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi, đã hình thành đường dây, hoạt động trên phạm vi rộng, có tính chất nghiêm trọng. Tiếp đó, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm xác lập chuyên án với mật danh ĐL723p phối hợp truy xét các đối tượng trong đường dây mua bán người dưới 16 tuổi từ tỉnh Đắk Lắk xuống tỉnh Bình Dương để tổ chức đấu tranh, triệt phá...”, Đại tá Vương Trường Nam, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban chỉ đạo chuyên án cho biết.
Ngay sau đó, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với lực lượng trinh sát Đoàn 3 (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP) và Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra đối tượng. “Một trong những khó khăn của lực lượng phá án chính là không nắm được đặc điểm nhận dạng của đối tượng, cũng như thông tin cá nhân của đối tượng, ngoại trừ cái tên Trịnh Đình Dũng được sử dụng trên mạng xã hội để lừa gạt các nạn nhân. Quá trình truy bắt, đối tượng này rất tinh vi, khi có dấu hiệu bị lộ đã làm mọi cách để lẩn trốn”, Đại tá Bùi Quốc Lương, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Bị bắt khi đang lẩn trốn tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, đối tượng khai nhận tên thật là Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1992, là lao động tự do, trú tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương và thừa nhận có hành vi lừa gạt, đưa đón, chuyển bán hai nạn nhân N và H cho đối tượng Lợi với giá 1,9 triệu đồng. BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án hình sự, phối hợp với các lực lượng liên quan hoàn thiện hồ sơ, dẫn giải, bàn giao hồ sơ, đối tượng Thương cho Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra, xử lý. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện có thêm đối tượng Thành nghi vấn liên quan đến một nạn nhân ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Trong vòng 14 tháng, BĐBP tỉnh Đắk Lắk phá án thành công hai vụ án lừa bán người. Trước đó, tháng 8-2022, cùng với chiêu thức "việc nhẹ lương cao", hai cô gái người dân tộc thiểu số tại huyện Cư M’gar tin lời dụ dỗ của một phụ nữ trong buôn đưa đi làm việc ở Hải Phòng với mức lương hứa hẹn khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Nửa tháng làm việc, không chỉ bị bóc lột sức lao động, không có lương, các cô gái đã bị bán vào tụ điểm mại dâm. May mắn, các cô đã được lực lượng chức năng giải cứu trong quá trình các đối tượng đưa những nạn nhân đi lẩn trốn, tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Theo Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Lắk, điểm chung của các nạn nhân trẻ em là đa phần có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Nhiều em mới lớn thường quan tâm đến mạng xã hội, ít quan tâm đến các thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không có ý thức cảnh giác, dễ bị lừa gạt, trở thành nạn nhân của đường dây buôn người.
Tình trạng lừa bán người vẫn âm ỉ tồn tại và vì lợi nhuận khiến các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn, hoạt động ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, để giải quyết được tình trạng này, ngoài việc lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát tốt tình hình thì các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân có thêm thông tin, nâng cao cảnh giác và trở thành cánh tay nối dài của lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Bài và ảnh: NGUYỄN NGỌC LÂN