Sáng 9-1, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên ở mức nguy hiểm, mức cao nhất trên thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI trên 300).
Theo đó, vào thời điểm hơn 8 giờ, điểm đo tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cho chỉ số AQI ở mức 406, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 382.7; điểm đo tại Khu đô thị Time City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho chỉ số AQI ở mức 338, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 312.9; điểm đo tại xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cho chỉ số AQI ở mức 330, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 277.5. Đây là mức chỉ số chất lượng không khí nguy hại, ngay cả người khỏe mạnh cũng nên ở trong nhà, đóng các cửa ra vào và cửa sổ, nếu buộc phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt chuẩn.
Ngoài ra, hàng chục điểm đo trên cả nước cho chất lượng không khí ở mức rất có hại cho sức khỏe (AQI từ 201-300). Khu vực Bắc Bộ có nhiều điểm đo ở mức này nhất với 19 điểm, Trung Bộ có 3 điểm.
Chỉ số ô nhiễm không khí đang ở mức cao tại nhiều đô thị, trong đó có Hà Nội. |
Trên cả nước, chất lượng không khí ở mức kém được ghi nhận tại nhiều điểm đo, tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tại Nam Bộ, các điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở mức kém tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh với 7 điểm; tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 1 điểm; tại tỉnh Long An ghi nhận 1 điểm. Với chất lượng không khí ở mức kém, những người nhạy cảm sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật chất lượng không khí tại các website của Tổng cục Môi trường, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường của thành phố Hà Nội hoặc qua ứng dụng PAM Air để biết chất lượng không khí từng thời điểm.
Tin, ảnh: VIỆT CHUNG