Chứng khoán Việt Nam mở phiên ngập sắc đỏ sau khi Fed tăng lãi suất

Vũ Xuân Kiên
Thời điểm 9 giờ 43 sáng 3/11, VN-Index giảm gần 10 điểm, HNX-Index cũng giảm 1,21 điểm, UPCOM-Index giảm 0,22 điểm sau động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Sau động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên ngập trong sắc đỏ.

Thời điểm 9 giờ 43 phút ngày 3/11, VN-Index giảm gần 10 điểm, HNX-Index cũng giảm 1,21 điểm, UPCOM-Index giảm 0,22 điểm.

ttxvnchung-khoan-viet-nam-1667460016.jpg
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Rổ VN30 có tới 25 mã giảm giá. Cùng đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn duy nhất STB giữ được sắc xanh, hầu hết các mã còn lại đều ở chiều giá đỏ. Nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn mã nào ở chiều tăng giá. Các nhóm bất động sản, thực phẩm và đồ uống cũng chìm trong sắc đỏ.

Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ diễn biến tích cực với sự tăng giá của MWG, FRT, DWG. Trước đó, ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, một động thái điều tiết chính sách lãi suất nhằm nỗ lực làm chậm đà tăng lạm phát.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản của Fed lên khoảng 3,75% đến 4%.

Đây là lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của Fed và lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng Ba.

Khi Fed tăng phạm vi lãi suất cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.

Lần tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ mà một số chuyên gia tin rằng đang trên đà suy thoái. Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút lại kế hoạch đầu tư, hai yếu tố chính có thể làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Lãi suất cao hơn của Fed cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, điều này có thể ảnh hưởng tới nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và các cú sốc về nguồn cung - đặc biệt là xung đột ở Ukraine, đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao hơn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh, khi bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã phá tan không khí tích cực vào đầu phiên với tuyên bố nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đồng thời báo hiệu rằng các đợt tăng lãi suất quy mô nhỏ hơn có thể diễn ra trong thời gian tới.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 505,44 điểm (1,55%), xuống 32.147,76 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 96,41 điểm (2,5%), xuống 3.759,69 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 366,05 điểm (3,36%), xuống 10.524,80 điểm.

Trong một phiên giao dịch đầy biến động, các chỉ số mở cửa tăng điểm sau khi Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp nhằm cố gắng kiềm chế đà tăng cao của lạm phát. Hiện lãi suất của Fed đã tăng lên mức 3,75-4%.

Tác động của việc tăng lãi suất ban đầu được hạn chế bằng các dấu hiệu mới cho thấy Fed đang lưu ý đến ảnh hưởng của việc tăng lãi suất quá lớn đối với nền kinh tế. Các nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ phát tín hiệu sẵn sàng bắt đầu giảm bớt quy mô các đợt tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12 tới.

Tuy nhiên, nhận định từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng còn "quá sớm" để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Sau đợt phục hồi mạnh mẽ vào tháng 10, chứng kiến chỉ số Dow Jones đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1976 và S&P phục hồi khoảng 8%, ba chỉ số chính trên Phố Wall đã quay đầu giảm điểm trong ba phiên liên tiếp.

Mức giảm hôm 2/11 là mức giảm tính theo phần trăm lớn nhất đối với S&P 500 kể từ ngày 7/10./.