Nhằm gia tăng tiện ích, nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ rút tiền tại ATM bằng mã QR thay thế thẻ vật lý. |
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Hàng loạt các giải pháp chính sách cũng như nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu đã tạo nên một Việt Nam đổi mới, số hóa trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực ngân hàng.
“Trái ngọt” từ chuyển đổi số
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua).
Đến nay có tới 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile. |
Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng dùng dịch vụ điện tử, Agribank là một trong những ngân hàng tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Agribank, ngân hàng đã xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, từ đó dần đưa chuyển đổi số hiện diện trong quản trị điều hành và mọi hoạt động của Agribank thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Trên cơ sở đó từng bước xây dựng môi trường làm việc trực tuyến, chú trọng phát triển cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán.
Từ nhận thức chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, Agribank mỗi năm đều dành ngân sách lớn trong đầu tư xây dựng, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin. Đáng chú ý, năm 2022, Agribank triển khai dịch vụ Ngân hàng số (Agribank Digital) tích hợp các ứng dụng công nghệ hiện đại.
Hệ thống công nghệ thông tin của Agribank bảo đảm thông suốt cho bình quân 35 triệu giao dịch mỗi ngày và cao điểm lên tới 45 triệu giao dịch mỗi ngày, giao dịch tự động chiếm tới 91,97% tổng số giao dịch. |
Cũng chia sẻ về hoạt động chuyển đổi số, ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành - Giám đốc Ngân hàng số MB cho biết, MB thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong hoạt động của Tập đoàn từ năm 2018 qua việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ). Với ba trụ cột “Con người-Nguồn lực-Tốc độ”, chiến lược chuyển đổi số của MB cải thiện từng điểm chạm với khách hàng, nâng cao năng lực công nghệ, phát huy văn hóa sáng tạo tập đoàn và phát triển hệ sinh thái số bền vững.
Là ngân hàng tiên phong theo xu hướng “self-serving” (tự phục vụ) và “all-in-one-app” (siêu ứng dụng), các sản phẩm của MB hướng tới tính thuận tiện, dễ sử dụng, linh hoạt trên app MBBank cho cá nhân và app BIZ MBBank cho doanh nghiệp. Nhờ chiến lược chuyển đổi số toàn diện lấy khách hàng làm trọng tâm, MB vươn lên dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng xuất sắc và khả năng phục vụ tối đa nhu cầu tài chính đa dạng. Theo đại diện MB, trung bình từ năm 2017 đến nay, mỗi năm ngân hàng dành khoảng 50 triệu USD để đầu tư chuyển đổi số.
Những nỗ lực chuyển đổi số của MB đã được ghi nhận qua cú nhảy vọt về quy mô khách hàng, nâng con số 5 triệu khách hàng trong 25 năm đầu tiên lên đến 25 triệu trong năm 2023 (tính đến ngày 30/10/2023). MB đạt 1,6 tỷ giao dịch trên kênh số, trong đó, riêng app MBBank có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày. 10 tháng đầu năm 2023, MB đạt 21.960 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 84,1% kế hoạch cả năm 2023.
Hướng tới sự toàn diện, bền vững
Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán lớn đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở mọi quy mô. Theo kết quả khảo sát của một số công ty tư vấn chiến lược như McKinsey và BCG, hơn 70% dự án chuyển đổi số tại các doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng hoặc những kết quả tăng trưởng bền vững đã đặt ra.
Có thể nói, chuyển đổi số yêu cầu tổ chức phải liên tục sẵn sàng đối mặt với những biến động thị trường, thay đổi hành vi khách hàng, rủi ro đầu tư công nghệ... Những khó khăn về tài lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng và chiến lược số hóa bài bản,... đều là những khó khăn tăng nguy cơ thất bại khi triển khai thực tế.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức, trong đó phải kể đến thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là khu vực hành chính công (như y tế, giáo dục,...) để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.
Chính vì vậy, tại các quyết định, kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước về chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng, trong đó tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu; bảo đảm các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, nhất là khu vực hành chính công, mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ thanh toán trực tuyến với dịch vụ liền mạch, tiện ích; tăng cường công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin và tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn.
BÀI VÀ ẢNH: HỒNG ANH