Theo số liệu kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với tổng vốn FDI đăng ký và FDI giải ngân đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, vốn FDI đăng ký mới tăng đến hơn 73% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 9,27 tỷ USD vốn FDI, tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm 2023 với 8,88 tỷ USD. Kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2024 mặc dù vẫn kém thời điểm 4 tháng các năm 2020, 2021 và 2022 với lần lượt là 12,33 tỷ USD; 12,25 tỷ USD và 10,81 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm lại ghi nhận mức tăng kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây với 6,28 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ 4 tháng đầu năm của giai đoạn từ 2020-2023 với lần lượt là 5,15 tỷ USD; 5,50 tỷ USD; 5,92 tỷ USD và 5,85 tỷ USD.
Đây chính là “điểm sáng” trong thu hút FDI 4 tháng đầu năm của Việt Nam, bởi theo các chuyên gia kinh tế, vốn FDI giải ngân mới chính là “thước đo” hiệu quả của dòng vốn ngoại. Cùng quan điểm trên, bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Không quan trọng Việt Nam thu hút được bao nhiêu, mà chất lượng FDI như thế nào mới là điều quan trọng” .
Một điểm sáng nữa trong bức tranh FDI 4 tháng đầu năm 2024 là có 966 dự án FDI được cấp phép đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành được cấp phép mới nhiều nhất với gần 5 tỷ USD, chiếm gần 70,2% tổng vốn FDI đăng ký mới.
Đánh giá về kết quả thu hút FDI những tháng đầu năm 2024, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, kết quả thu hút vốn FDI đăng ký đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Cũng theo bà Phí Thị Hương Nga, kết quả thu hút FDI có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội mà Việt Nam có được. FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế những tháng đầu năm 2024.
Kết quả thu hút FDI những tháng đầu năm cho thấy, “trước mắt, “Việt Nam vẫn và sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài” - bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định và cho rằng, Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên nhìn vào trung hạn, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài một cách bền vững, Việt Nam cần thúc đẩy thu hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo, các ý tưởng mới làm đầu vào của quá trình sản xuất, từ đó thúc đẩy giá trị tăng thêm cho nền kinh tế.
“Để làm được như vậy, Việt Nam cần tích luỹ thêm nguồn vốn con người, đào tạo ra đội ngũ những người trẻ có năng lực” - bà Dorsati Madani khuyến nghị.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thu hút FDI bền vững, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, sẽ khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Đặc biệt, sẽ có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.