Khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã tham gia Hội chợ VEGFEST 2022 trong hai ngày 12-13/11 tại London nhằm quảng bá các mặt hàng nông sản Việt Nam đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật tại Anh.
Là hội chợ dành cho người ăn chay được tổ chức thường niên tại London từ năm 2013, VEGFEST năm nay quy tụ 230 đơn vị triển lãm, hơn 100 diễn giả và 10.000 khách tham quan, trong bối cảnh trào lưu tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc thực vật gần đây phát triển mạnh ở Anh.
Gian hàng Việt Nam tại hội chợ trưng bày các sản phẩm đa dạng từ nông sản như gạo, càphê, trà, hạt điều, hoa quả sấy, phở khô, phở ăn liền, gia vị, thực phẩm dành cho người ăn chay, tới các sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút gỗ, cốc giấy… thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và khách tham quan địa phương.
Dưới sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không có điều kiện trực tiếp tham dự hội chợ đã gửi sản phẩm, profile giới thiệu doanh nghiệp sang trưng bày tại hội chợ.
Tham dự hội chợ có Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, và các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới xuất khẩu sang thị trường Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết VEGFEST là nơi các doanh nghiệp kinh doanh và nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc thực vật giao thương, tìm hàng mẫu và nguồn hàng mới, là cơ hội để các công ty Việt Nam gặp gỡ các khách hàng là chủ doanh nghiệp và nắm bắt xu hướng thị trường.
Sau khi hội chợ kết thúc, công ty tổ chức hội chợ sẽ cho phép những doanh nghiệp tham dự hội chợ truy cập cơ sở dữ liệu về tất cả các doanh nghiệp và khách tham quan hội chợ, là nguồn thông tin có giá trị rất lớn đối với các doanh nghiệp để mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó tổng giám đốc tập đoàn Minh Tiến, cho biết tham gia VEGFEST 2022, Minh Tiến mong muốn quảng bá sản phẩm của Việt Nam nói chung, sản phẩm của tập đoàn nói riêng, tới người tiêu dùng Anh và châu Âu, đồng thời tìm kiếm các đối tác lớn để đưa sản phẩm của Minh Tiến vào thị trường Anh và châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường Anh còn rất lớn, song nhấn mạnh đây là thị trường tiêu chuẩn cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược để nâng giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm hữu cơ, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường này.
Bà Đinh Thị Minh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Sạch Tây Bắc (VSAPAT Tây Bắc), cho rằng tham dự VEGFEST - hội trợ triển lãm các mặt hàng thực phẩm dành cho người ăn chay, vốn là một trong những thế mạnh của hàng nông sản thực phẩm Việt Nam và đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm vùng Tây Bắc - là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam như VSAPAT Tây Bắc, tìm hiểu thị trường và đưa các mặt hàng nông sản thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm dành cho người ăn chay sang thị trường Anh.
Theo bà Minh Thái, các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường Anh là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Minh Thái nhấn mạnh các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư lớn để đáp ứng yêu cầu về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng nghiêm ngặt của thị trường này, song nếu đáp ứng được yêu cầu, thực phẩm Việt Nam có nhiều lợi thế để thâm nhập thị trường Anh do Việt Nam có nhiều nông sản, thực phẩm ngon.
Bà Minh Thái cũng cho rằng việc thâm nhập vào thị trường Anh sẽ mở ra cánh cửa để nông sản Việt nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Tại hội chợ, ông Oliver Broster tại RicCoffee, doanh nghiệp chuyên nhập khẩu càphê thô Việt Nam, cho biết là nhà sản xuất càphê lớn thứ hai thế giới và là một trong những nhà sản xuất quan trọng nhất thế giới, Việt Nam đã đúng khi đi theo hướng hiện nay của châu Âu là sản xuất bền vững, hữu cơ và theo đuổi mô hình kinh doanh ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Tuy nhiên, ông Broster lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có càphê, phải nắm vững các quy định của Anh về sử dụng và kiểm soát sử dụng hóa chất trong nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu về môi trường và sức khỏe tại thị trường này.
Đánh giá về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm gần đây xuất khẩu nông sản sang Anh tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, dự kiến năm 2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm ngoái.
Đến nay đã có trên 500 mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt trên các kệ hàng tại các siêu thị của Anh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định tiềm năng hợp tác thương mại về nông nghiệp giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn và chính phủ hai nước cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Anh trong năm tới lên 30-35%.
Trước đó, tại tọa đàm Kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Anh tổ chức ngày 11/11 tại London trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Anh của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh gần đây đã được hai chính phủ, hai bộ quan tâm thúc đẩy, đặc biệt dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán hai nước, đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặt nền móng cùng hợp tác, phát triển trong tương lai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thực phẩm, Môi trường và Các Vấn đề Nông thôn Anh vừa ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Vương quốc Anh là một trong những đối tác chiến lược và quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam về thương mại và đầu tư, đặc biệt thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK) trong năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 17%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng nông nghiệp Việt Nam và Anh có thể bổ trợ cho nhau rất hiệu quả. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản nhiệt đới (gạo, rau quả, càphê, chè, điều, tiêu), nuôi trồng thủy sản và chế biến gỗ, nội thất.
Trong khi đó, Anh có thế mạnh về các sản phẩm nông sản ôn đới, máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào thế hệ mới, công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và nghiên cứu vaccine, và vẫn còn nhiều dư địa để hai nước thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Anh mới chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm khoảng hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu lương thực thực phẩm trị giá 60 tỷ USD của Anh.
Tương tự, xuất khẩu nông sản của Anh vào Việt Nam cũng chưa được 1% tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản trị giá khoảng trên 30 tỷ USD của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Vương quốc Anh cũng là đối tác lớn và đáng tin cậy đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
FDI từ Anh vào nông nghiệp Việt Nam mặc dù còn khiêm tốn (với khoảng 40 dự án, tổng vốn 240 triệu USD) nhưng đã tăng rất nhanh ở mức trên 10%/năm trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây Việt Nam và Anh đều chia sẻ và có cam kết mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xanh, bền vững, giảm phát thải tại các Diễn đàn quốc tế lớn như COP26 và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực, thực phẩm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút và hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản, thực phẩm.
Trong các hoạt động thương mại và đầu tư, Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp Anh sẽ tạo ra các đối tác liên doanh, liên kết chặt chẽ và tin cậy với các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.
Sản phẩm của sự hợp tác giữa hai bên không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà quan trọng hơn là các giá trị về tình hữu nghị, sự chia sẻ về công nghệ, sự giao thoa về văn hóa giữa hai nước, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp hai nước và bền vững môi trường toàn cầu./.