Nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ bước vào trạng thái suy thoái kỹ thuật ngay từ quý đầu của năm 2024. Báo cáo kinh tế của Chính phủ Đức thừa nhận, nền kinh tế quốc gia tiếp tục gặp thách thức ngay từ đầu năm 2024, với lạm phát cao và sức tiêu dùng giảm, cùng các cuộc khủng hoảng địa chính trị, các đợt tăng lãi suất.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhận định, Đức đang thoát khỏi khủng hoảng chậm hơn mong đợi. Môi trường kinh tế toàn cầu không ổn định và tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức thấp trong lịch sử là thách thức đối với một quốc gia xuất khẩu như Đức. Chính phủ Đức cũng dự báo lạm phát sẽ giảm từ 5,9% năm 2023 xuống còn 2,8% trong năm nay.
Mặc dù khẳng định rằng lạm phát đã được “thuần hóa”, song Bộ trưởng Habeck xác định những vấn đề cơ cấu dài hạn của nền kinh tế Đức như thiếu hụt công nhân lành nghề, tình trạng quan liêu quá mức và đầu tư yếu kém kéo dài cần phải được giải quyết. Ông kêu gọi phải bảo vệ khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là địa điểm sản xuất công nghiệp.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho biết, GDP của Đức sẽ lại giảm nhẹ trong quý đầu của năm 2024, khi nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật. Kinh tế Đức đã gặp khó khăn kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm 2022 khiến lạm phát tăng phi mã, lĩnh vực công nghiệp rơi vào tình trạng trì trệ và nền kinh tế các đối tác thương mại quan trọng đi xuống.
Theo ngân hàng trung ương, cường quốc xuất khẩu này phải đối mặt với một loạt vấn đề từ nhu cầu nước ngoài chậm lại cho đến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư trong nước giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng có thể chịu ảnh hưởng của làn sóng đình công gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt và hàng không.
Bất ổn địa chính trị và nhu cầu toàn cầu thấp hơn từ các thị trường như Trung Quốc là một trong những trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế Đức. Ngành công nghiệp lớn của Đức bị thiệt hại đặc biệt do mất nguồn nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga. Trong khi đó, một loạt đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm kiềm chế lạm phát đã cản trở hoạt động đầu tư.
Lạm phát cao và sức mua giảm dẫn đến nhu cầu trong nước thấp hơn cũng là một trở ngại. Bộ trưởng Habeck còn thừa nhận rằng, các tranh chấp công khai thường xuyên giữa các đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức đang gây bất ổn cho hoạt động kinh tế. Liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz - bao gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đang bị chia rẽ về cách thức thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Habeck đã kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh thông qua việc nới lỏng quy định phanh nợ đang hạn chế vay mượn của Chính phủ Đức. Tuy nhiên, FDP lại kiên quyết muốn duy trì quy định phanh nợ này.
Thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động. Với khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu không giải quyết được vấn đề này. Các vị trí việc làm cần tuyển dụng bị trống có thể sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi.
Theo các ước tính chính thức, xã hội già hóa của Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động lành nghề vào năm 2035. Do đó, Chính phủ Đức đã đề xuất ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn và linh hoạt hơn khi về già. Việc xem xét lại trợ cấp thất nghiệp vốn ở mức cao cho một số đối tượng cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng đối mặt những thách thức từ địa chính trị toàn cầu cũng như những khó khăn trong nước, “đầu tàu” kinh tế châu Âu được dự báo sẽ đứng trước một quá trình phục hồi chậm chạp và ì ạch hơn dự kiến.