Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho xã hội, nhất là khi nó được các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng nhằm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt, hòng bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác. Đây là thực tế đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần được nhận thức và có biện pháp đối phó hiệu quả.
AI - đúng-sai khó phân biệt
Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị ngoài các cách thức truyền thống còn sử dụng các thủ đoạn tinh vi, trong đó có sử dụng AI, lợi dụng những câu trả lời không phân biệt được “đúng-sai” của các phần mềm để chống phá, thực hiện thông tin, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng. Các bài báo sử dụng AI của các tổ chức như: Đài châu Á tự do; BBC News Tiếng Việt; Việt Tân... liên tục được đăng tải, chia sẻ với mục đích xuyên tạc, hướng lái người dân hiểu sai về Đảng, về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Các tổ chức này đã sử dụng các dữ liệu bịa đặt, xuyên tạc để thực hiện huấn luyện các phần mềm thông minh nhân tạo như ChatGPT, Bing, Bar... để khi đặt những câu hỏi mang tính định hướng xuyên tạc như: “Ai là cha già dân tộc của chúng ta?”; “Ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta?”; “Ai đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng?”... Với những câu hỏi bị thêm, bớt câu từ hay thiếu địa danh như trên thì câu trả lời của “trí tuệ nhân tạo” ChatGPT đưa ra thường là: “Không có người được chỉ định là cha già dân tộc Việt Nam”; “Không có ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; “Không có một người hoặc tổ chức nào cung cấp cho chúng ta một mùa xuân đầy ước vọng”... đồng thời tuyên truyền ChatGPT là trí tuệ, là hiện đại và hiểu toàn xã hội nên ChatGPT khi trả lời là khách quan, là công bằng và cần phải tin ChatGPT là “chân lý”.
Ảnh minh họa: nhandan.vn |
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người, các tài liệu lưu trữ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chưa bao giờ tự nhận mình là “Cha già dân tộc”, đây là vì nhân dân kính yêu, mỗi lần thành kính khi nói về Người. Hình tượng “người Cha” của Bác đã đi vào thi ca, âm nhạc, vào hồn cốt của văn hóa dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu viết: "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ" (Sáng tháng Năm) hay “Người Cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm” (Đêm nay Bác không ngủ-Minh Huệ)...
“Vị Cha già dân tộc” là cái tên thể hiện sự tôn kính, đi vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam, vì một vĩ nhân đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc Việt. Cũng giống như hình tượng ẩn dụ Đảng chính là mùa xuân của đất nước, của dân tộc, thể hiện niềm tin và hy vọng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của tương lai đất nước.
Vậy AI là gì? Vì sao thời gian qua các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng AI để sản xuất các thông tin nhằm phủ định các thành quả của Đảng và Nhà nước ta? Câu trả lời là: AI là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là một sản phẩm do con người sử dụng các kỹ thuật, công nghệ để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi, suy nghĩ, xử lý và hành động mô phỏng suy nghĩ của con người. Nguyên lý hoạt động của các phần mềm AI sử dụng cách thức hỏi-đáp tự động sử dụng dữ liệu lớn khá là đơn giản. Về bản chất, đây là các phần mềm thông minh nhân tạo, thực hiện các câu trả lời của người dùng thông qua dữ liệu ghi nhớ từ dữ liệu thu thập được, phân tích để tìm ra các tầng ý nghĩa của các dữ liệu nên khi được hỏi, các phần mềm này không phân biệt được đúng hay sai.
Quá trình tạo ra một phần mềm thông minh nhân tạo bao gồm các bước: Thu thập dữ liệu (từ không gian mạng, từ cung cấp của người dùng), chọn lọc dữ liệu, gán nhãn dữ liệu để thực hiện huấn luyện cho phần mềm và huấn luyện phần mềm như việc tiếp thu tri thức của con người. Dữ liệu thu thập được càng nhiều thì càng có nhiều câu trả lời. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh khi sử dụng các phần mềm này, đó là phần mềm có thể phân tích và hiểu rất nhiều tầng ý nghĩa của một dữ liệu đầu vào, nhưng không thể hiểu được ý nghĩa đó "đúng" hay "sai".
Các dữ liệu đang tồn tại trên internet mà các nhà khoa học thu thập được để huấn luyện cho phần mềm cũng không phải luôn theo thiên hướng có ý nghĩa là “đúng” và dữ liệu đó chứa thông tin là “đúng” do các nhà khoa học thường sử dụng các công cụ thu thập dữ liệu tự động, sức người cũng không thể thu thập được các dữ liệu để phân tách được tính đúng-sai của các dữ liệu đó do dữ liệu trên internet là rất lớn.
Những dữ liệu như vậy, các phần mềm thông minh nhân tạo như ChatGPT không thể đoán nhận và không thể bình luận, phán xét. Tuy nhiên, chính những nội dung này lại lôi kéo các thành phần phản động, cơ hội chính trị vào bình luận, chia sẻ. Chúng sử dụng các câu hỏi không đầy đủ, không mang tính khoa học để đánh lừa phần mềm thông minh nhân tạo nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước như: “Không thể tồn tại kinh tế thị trường mà lại định hướng xã hội chủ nghĩa phải không?”; “Khi nào về đích chủ nghĩa xã hội”; “Lúc nào thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu?”...
Hay đặt câu hỏi so sánh sai lệch, cổ xúy kẻ bán nước như “Cờ vàng ba sọc đỏ là của nước nào?”... Và khi các phần mềm này trả lời những thông tin không như chúng mong muốn, chúng lại cung cấp các dữ liệu xuyên tạc, sai lệch để phần mềm trả lời theo hướng lái của chúng.
Nhận thức và sử dụng AI làm sao cho đúng?
Với một số đánh giá, phân tích như trên có thể thấy, các phần mềm thông minh nhân tạo có những ưu điểm nhất định, nếu chúng ta khách quan, sử dụng các dữ liệu đúng, phù hợp thì câu trả lời sẽ mang tính chất khách quan, minh bạch. Nếu có những đối tượng dùng các thủ đoạn xấu, cung cấp các dữ liệu sai lệch thì các phần mềm này dễ dàng bị hướng lái.
Chính vì thế, làm thế nào để nhận diện, xác định và loại bỏ các nội dung được tạo ra bởi các ứng dụng thông minh nhân tạo khi bản thân nó chứa các thông tin chưa được kiểm chứng, không trích dẫn nguồn gốc, sai lệch cũng như các vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Khi triển khai các nội dung thông tin, tuyên truyền, chúng ta luôn cần những dữ liệu trung thực, nguồn thông tin và các góc nhìn mới về các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa đang diễn ra trong thực tiễn Việt Nam và trên thế giới, trong khi đó các phần mềm ứng dụng AI có khả năng trợ giúp con người tạo ra các thông tin mới dựa trên phân tích ngữ nghĩa và tổng hợp thông tin từ các dữ liệu có sẵn, hoặc nếu bị các đối tượng lạm dụng các phần mềm ứng dụng AI này để sản xuất nội dung sẽ dẫn tới các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Hiện nay, các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta cũng đang lợi dụng các kỹ thuật mới, công nghệ mới, trong đó có AI để xây dựng các nội dung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng vào mục đích chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đưa ra các thông tin thất thiệt hay dựng chuyện, bịa chuyện, sử dụng AI để đưa thông tin sai sự thật hòng bôi nhọ, vu khống và xúc phạm người khác... Một số khuyến cáo về giải pháp trong thời gian tới như sau:
Một là, đối với chủ thể quản lý, cần tiếp tục quán triệt sự lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; cần có sự thống nhất và phối hợp đồng bộ trong các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin trên không gian mạng. Cần nhận thức đúng đắn trong toàn hệ thống chính trị về sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo theo bản chất vốn có của nó-không thể phân biệt “đúng-sai”.
Hai là, cần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật liên quan đến sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng AI, đặc biệt là sử dụng các dữ liệu trên không gian mạng, về điều chỉnh hành vi của người dùng khi sử dụng các phần mềm hỏi-đáp tự động để sáng tạo nội dung và cung cấp thông tin trên không gian mạng. Xây dựng chính sách hợp lý nhằm tổ chức thực hiện, phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ bí mật nhà nước, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các kế hoạch, chiến lược, chương trình tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức khi sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong kiểm chứng các thông tin. Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để tận dụng thế mạnh về các cơ sở dữ liệu của mình, đồng thời chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức khác; trên cơ sở đó định hướng để người dân hiểu rõ về các phần mềm thông minh nhân tạo đã trả lời như thế nào, có khách quan, minh bạch hay không, câu trả lời có phù hợp và chuẩn xác hay không.
Bốn là, tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nguồn lực tham gia việc kiểm chứng thông tin, đặc biệt nhận diện và kiểm chứng thông tin do các phần mềm ứng dụng AI tạo ra. Chú trọng các hoạt động ứng dụng AI của các lực lượng chuyên trách bảo đảm và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng...
PGS, TS TRẦN QUANG DIỆU, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh