Cuộc “thử lửa” hướng tới đấu trường châu lục

Tran Huy

Hôm nay (30/7), Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11-ASEAN Para Games 11-2022 sẽ chính thức khai mạc tại Surakarta (Indonesia), 1.648 vận động viên của 11 đoàn thể thao các nước trong khu vực sẽ thi đấu 14 môn thể thao với 907 nội dung.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường dự ASEAN Para Games 11-2022.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường dự ASEAN Para Games 11-2022.

Ở kỳ đại hội lần này, nước chủ nhà ASEAN Para Games 11 là Indonesia đã đăng cai tổ chức 14 môn thi đấu, bao gồm: điền kinh, bắn cung, cầu lông, boccia, bóng đá khiếm thị, cờ vua, bóng bàn, judo, cử tạ, bơi, bóng bàn, quần vợt xe lăn, bóng chuyền ngồi và bóng rổ xe lăn từ ngày 30/7 đến 7/8.

Trước đó, tháng 2/2022, Indonesia đã chính thức được chọn làm nước chủ nhà ASEAN Para Games 11 thay thế cho Việt Nam. Chính phủ và Ủy ban Paralympic quốc gia Indonesia đã tích cực chuẩn bị để đăng cai sự kiện từng bị hoãn vào năm 2019 tại Philippines. Đại hội được tổ chức ở ba địa điểm của Indonesia, trong đó 12 môn được tổ chức tại Surakarta, một môn thi đấu ở Karanganyar và môn còn lại tranh tài tại Semarang.

Trước đó, Trưởng ban tổ chức ASEAN Para Games Indonesia (INASPOC) Gibran Rakabuming Raka cho biết: Lửa của cây đuốc Para Games sẽ được lấy từ ngọn lửa vĩnh cửu Mrapen (ngọn lửa được tạo nên từ các hiện tượng địa chất tự nhiên) thuộc huyện Grobogan, tỉnh Trung Java. Sau đó, ngọn đuốc được chuyển đến thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java - nơi đăng cai chính của sự kiện vào ngày 25/7. Thị trưởng thành phố Surakarta cho biết, cho đến nay, tất cả các địa điểm đều đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để tổ chức các nội dung thi đấu của ASEAN Para Games. Năm nay, nước chủ nhà Indonesia cử lực lượng tham dự đông nhất với 539 vận động viên, đặt mục tiêu đoạt 104 Huy chương vàng, giành ngôi nhất toàn đoàn.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 11 tại Indonesia gồm 153 thành viên, trong đó có 15 cán bộ đoàn, 18 huấn luyện viên và 120 vận động viên. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 8 môn thể thao trong tổng số 14 môn thi đấu của đại hội là: điền kinh (32 vận động viên và 1 vận động viên dẫn đường), bơi (29 vận động viên), cử tạ (11 vận động viên), cầu lông (11 vận động viên), bóng bàn (14 vận động viên), cờ vua (17 vận động viên), judo (4 vận động viên), bắn cung (1 vận động viên). Sau thời gian dài bị giãn cách vì dịch Covid-19, chỉ có một số ít VĐV được tập trung đội tuyển quốc gia để tham dự Paralympic Tokyo, còn lại hầu hết các vận động viên của Việt Nam đều phải tự tập tại nhà.

Đây cũng là tình trạng chung của đông đảo vận động viên các nước tới Indonesia tham dự đại hội. Với mục tiêu lọt vào tốp bốn đoàn dẫn đầu về thành tích, giành khoảng 40 Huy chương vàng, 60 Huy chương bạc, các tuyển thủ chủ lực của đoàn Việt Nam được kỳ vọng đoạt huy chương là các vận động viên: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Nguyễn Thành Trung (bơi), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải, Đoàn Nguyễn Khánh Minh (điền kinh) hay Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Mỹ Linh (cờ vua)…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kể từ ASEAN Para Games 10-2017 đến nay, các vận động viên người khuyết tật trong khu vực lại được hội ngộ tại sự kiện thể thao này. Bên cạnh việc giành thành tích cao, ASEAN Para Games 11-2022 sẽ là cơ hội để các vận động viên tích điểm cho mục tiêu giành vé đến Paralympic Paris 2024. Đây cũng là cơ hội để tuyển chọn các vận động viên dự ASIAN Para Games 4 dự kiến diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) trong năm 2023.