Đại sứ Ted Osious: Lạc quan về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Mỹ trong năm 2024

Tran Huy
Đối với Việt Nam, Đại sứ Ted Osious - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho rằng cơ hội cho các công ty Mỹ là rất lớn dù "cơn gió ngược" của nền kinh tế toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức.

viet nam_my_kinh doanh.jpg

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Đại sứ Ted Osious trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hồng Nguyên/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Đại sứ Ted Osious, cho rằng triển vọng và tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong năm 2024 đang trên quỹ đạo đi lên rất mạnh mẽ và ngày càng được tăng cường, nhất là sau khi hai nước chính thức nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển Bền vững, nhân dịp Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 9/2023.

Đại sứ Ted Osious đưa ra nhận định trên khi trao đổi với phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Washington ngày 22/2.

Đánh giá thế về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung với các đối tác của Mỹ trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều "cơn gió ngược," ông Osious nhấn mạnh ASEAN là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu và khu vực tư nhân của Mỹ có rất nhiều cam kết với ASEAN.

Trên thực tế, với tư cách là nhà đầu tư số một ở ASEAN trong thời gian dài, các công ty Mỹ đã đầu tư vào ASEAN nhiều hơn so với mức đầu tư vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cộng lại.

Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho rằng cơ hội cho các công ty Mỹ là rất lớn, mặc dù "cơn gió ngược" của nền kinh tế toàn cầu đã và đang đặt ra nhiều thách thức.

Theo Đại sứ Ted Osious, Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương sau khi hai nước chính thức nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển Bền vững.

Theo đánh giá của ông Ted Osious, có ba lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm và sẽ đầu tư vào Việt Nam, bao gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.

Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ có cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn vốn đòi hỏi nhiều yếu tố chẳng hạn như nguồn năng lượng đáng tin cậy, có sẵn nguồn nước và lực lượng lao động có trình độ. Vì vậy, Chính phủ Mỹ đang đầu tư vào phát triển lực lượng lao động cho Việt Nam.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang đầu tư 100 triệu USD vào phát triển lực lượng lao động, và mới có thêm thông báo khác cách đây vài ngày về cam kết bổ sung nhằm nâng cao trình độ lực lượng lao động thông qua Đại học Arizona. Các công ty Mỹ cũng rất quan tâm đến sự phát triển không ngừng của lực lượng lao động Việt Nam.

viet nam_my_hop tac.jpeg

Đại sứ Ted Osious đánh giá có ba lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm và sẽ đầu tư vào Việt Nam, bao gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho rằng hai bên cũng có những cơ hội hợp tác to lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực đã có sự hợp tác đáng kinh ngạc, từ phòng chống dịch bệnh SARS, đến HIV/AIDS và COVID-19.

Các công ty Mỹ cũng mong muốn có thể sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế tại Việt Nam và đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông bày tỏ tin tưởng vào những tiềm năng to lớn nói trên và cho rằng vào tháng tới, một số tiềm năng đó sẽ được hiện thực hóa.

Chia sẻ thêm về ảnh hưởng đến giao thương Việt Nam-Mỹ do tình trạng gián đoạn hoạt động vận tải thương mại trên Biển Đỏ, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ- ASEAN, Đại sứ Ted Osious nói rằng thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Mỹ và Việt Nam phải mất thêm từ 10-15 ngày cũng như gia tăng chí phí, kéo theo hệ quả là ảnh hưởng đến nhà xuất khẩu và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo ông, bài học ở đây là an ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia. Vì vậy, ông cho rằng việc tham vấn chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam về thách thức ở Biển Đỏ cũng như các thách thức an ninh và các thách thức thương mại khác là hết sức cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)