Đắk Lắk: Thu hoạch hồ tiêu gặp nhiều thuận lợi, nông dân phấn khởi

Tran Huy
Năm nay, giá hồ tiêu tăng cao ổn định, hiện dao động từ 92.500-96.000 đồng/kg khiến nông dân phấn khởi.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 28.583ha trồng hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 28.583ha trồng hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tây Nguyên chiếm khoảng 60% diện tích trồng tiêu của cả nước với hơn 70.000ha, trong đó tỉnh Đắk Lắk chiếm khoảng 40,8% diện tích hồ tiêu toàn vùng.

Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024 tại tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều thuận lợi, cùng với giá cả tăng cao mang lại nhiều triển vọng về phát triển hồ tiêu bền vững.

Hồ tiêu từng được ví như “vàng đen” vì có giá trị kinh tế cao, đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg trong giai đoạn 2014-2017, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Tuy nhiên, giá tiêu trong gần một thập kỷ qua đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi giảm xuống mức 34.000 đồng/kg vào tháng 3/2020.

Năm nay, giá hồ tiêu tăng cao ổn định, hiện dao động từ 92.500-96.000 đồng/kg khiến nông dân phấn khởi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tình ở thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trồng 1ha hồ tiêu, năm nay dự kiến thu được 5 tấn tiêu khô. Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh lãi hơn 200 triệu đồng.

Theo anh Tình, năm nay, năng suất vườn tiêu ổn định, giá cao nên gia đình anh và các hộ dân xung quanh đều rất phấn khởi.

Tương tự, gia đình ông Trần Đình Việt, thôn 7, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin trồng 5 sào tiêu, năm nay dự kiến thu được 2 tấn tiêu khô. Ông Việt cho biết giá tiêu cùng kỳ năm trước dao động từ 60.000-66.000 đồng/kg. Năm nay, giá tiêu tăng cao, nông dân có lợi nhuận trong sản xuất và phấn khởi đầu tư cho mùa vụ sau.

Thời tiết năm nay nắng đều, thuận lợi cho nông dân thu hái và phơi khô hạt tiêu sau thu hoạch. Nhân công lao động chủ yếu là lực lượng tại chỗ, không khan hiếm như các năm trước, giá nhân công khoảng 250.000 đồng/người/ngày, cao hơn 20.000-30.000 đồng/người/ngày so với vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2023.

Năm nay, giá hồ tiêu tăng cao, nông dân có lãi nên chú trọng vào khâu chăm sóc sau thu hoạch.

ttxvn_ho tieu 2.jpg

Với 1ha trồng tiêu, năm 2024, gia đình anh Nguyễn Văn Tình (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thu được khoảng 5 tấn tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ông Nguyễn Xuân Minh, thôn Tân Lập, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar cho biết những ngày này, gia đình ông khẩn trương thu hoạch hai vườn tiêu để bán. Với giá tiêu như hiện nay, sau khi thu hoạch, gia đình ông mặn mà chăm sóc hơn, chú trọng tưới nước, bón phân để cây hồi phục, tiếp tục cho năng suất cao.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 28.583ha trồng hồ tiêu, sản lượng dự kiến đạt gần 74.630 tấn. Năm nay, người trồng tiêu không ồ ạt bán ra như những năm trước do có sự hỗ trợ giá của một số loại nông sản khác như sầu riêng, càphê tăng cao.

Giá hồ tiêu tăng cao là tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, tạo động lực cho người sản xuất duy trì diện tích trồng tiêu.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cư M’Gar Nguyễn Công Văn, huyện hiện có khoảng 4.500ha hồ tiêu với sản lượng 5.500 tấn. Để đảm bảo cho vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024 đạt hiệu quả cao, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo lực lượng công an tổ chức diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân," phối hợp với nhân dân thành lập các Tổ an ninh trật tự ở thôn, buôn để bảo vệ mùa màng.

Đồng thời, quan điểm của huyện là ổn định diện tích hồ tiêu hiện có, canh tác theo hướng bền vững; hướng dẫn bà con nâng cao giá trị, từng bước hình thành thương hiệu “hồ tiêu Cư M’Gar."

Còn tại huyện Cư Kuin - vùng trọng điểm hồ tiêu của tỉnh, ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết dự kiến vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024 trên địa bàn kết thúc vào cuối tháng Tư. Huyện khuyến cáo bà con tập trung thu hái những vườn chín, đạt tỷ lệ chín trên 85%; trong quá trình thu hái cần bảo đảm an toàn lao động. Giá tiêu tăng cao song huyện khuyến cáo bà con không ồ ạt mở rộng diện tích, chăm sóc tốt diện tích hiện có, phấn đấu đạt năng suất 4-5 tấn/ha.

ttxvn_ho tieu 1.jpg

Nông dân huyện Cư Kuin (vùng trọng điểm hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk) phơi hồ tiêu sau khi thu hoạch. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hồ tiêu là một trong hai cây công nghiệp chủ lực của nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của nông dân.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk Đỗ Xuân Dũng khuyến cáo sau khi thu hoạch, cây hồ tiêu thường bị "kiệt sức," lại vào thời điểm mùa khô, do đó bà con nên chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cung cấp đủ dinh dưỡng để cây hồi phục.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, khuyến cáo người dân tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để phát triển hồ tiêu bền vững, ngành chức năng và các địa phương khuyến khích các hộ trồng hồ tiêu tham gia các hợp tác xã, liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời khuyến khích nông dân, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sản xuất bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị hồ tiêu./.

(TTXVN/Vietnam+)