Đấu giá hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Pháp

Trần Thu

Trong phiên đấu giá, chiếc bát vàng quý hiếm thời vua Khải Định đã được mua lại với giá 680.000 euro trong khi chiếc Kim ấn bằng vàng, nặng 10kg, có giá chào bán ban đầu khoảng 2-3 triệu euro.

Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng được hãng Millon dự kiến đưa ra đấu giá ngày 10/11/2022. (Ảnh: TTXVN)
Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng được hãng Millon dự kiến đưa ra đấu giá ngày 10/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 31/10, tại thủ đô Paris, nhà đấu giá Millon đã mở các phiên bán đấu giá trên 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam.

Trong số này có gần 100 cổ vật là bình, bát, đĩa sứ, chai lọ, lư hương, tượng đồng... có niên đại từ thế kỷ 18, 19, hơn 150 tác phẩm nghệ thuật tranh lụa, sơn dầu, sơn mài của nhiều cố họa sĩ nổi tiếng như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Phố, Mai Trung Thứ... và khoảng 50 đồ vật chạm khảm.

Nhiều cổ vật quý triều Nguyễn như huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại cũng được đưa ra đấu giá lần này, trong đó đặc biệt có chiếc Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng và chiếc bát vàng thời vua Khải Định mang giá trị lịch sử cao.

Trong phiên đấu giá, chiếc bát vàng quý hiếm thời vua Khải Định (1916-1925), được chạm nổi những con rồng vờn ngọc thiêng với dấu "Khải Định Niên Chế" khắc dưới đế bát, đã được mua lại với giá 680.000 euro, mức giá cao nhất trong phiên đấu giá lần này.

Đấu giá hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Pháp ảnh 1

Phiên bán đấu giá lệnh bài dưới thời vua Duy Tân. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Tấm kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân (1907-1916), hình chữ nhật, hai mặt có trang trí chạm khắc hình rồng và cá chép vượt vũ môn, ở giữa khắc dòng chữ Hán Nôm có nghĩa "Duy Tân ân tặng" và "Toàn quyền phủ quản lý," cũng được trả giá 70.000 euro.

Riêng chiếc Kim ấn bằng vàng, nặng 10kg, đúc năm 1823 dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841), biểu tượng cho quyền lực tối cao của Thiên hoàng trong chế độ quân chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá chào bán ban đầu khoảng 2-3 triệu euro. Tuy nhiên, theo thông báo từ đại diện hãng đấu giá, "do sự quan tâm lớn của nhà nước Việt Nam đối với bảo vật này nên thời gian đấu giá sẽ rời đến 12 giờ trưa 10/11".

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã làm việc với các bên liên quan đến việc bán đấu giá Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng.

Đấu giá hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Pháp ảnh 2

Buổi lễ bán đấu giá các cổ vật của Việt Nam, ngày 31/10 tại Paris. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Đại diện Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, hậu duệ của các vua chúa nhà Nguyễn là tổ chức kế thừa chính thức những nghĩa vụ của vương triều Nguyễn, cũng đã có văn bản gửi hãng đấu giá Millon, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật là Kim ấn triều Nguyễn và bát vàng của vua Khải Định.

Theo các nhà khảo cổ, trong suốt 143 năm của nhà Nguyễn (1802-1945), có khoảng hơn 100 ấn tín đã được tạo ra. Chúng được làm bằng vàng, ngọc, ngà, bạc và đồng... thường do các thành viên hoàng gia và quan chức cao cấp sử dụng.

Dưới thời vua Minh Mạng, 15 ấn ngọc và vàng đã được chế tác, trong đó, Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được bán đấu giá dịp này là loại hiếm có và quan trọng bậc nhất, chỉ dùng cho các sắc phong và văn bản quan trọng của triều đình.

Đấu giá hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Pháp ảnh 3

Tấm kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân (1907-1916). (Ảnh: TTXVN)

Đấu giá hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Pháp ảnh 4

Chiếc bát vàng quý hiếm thời vua Khải Định (1916-1925). (Ảnh: TTXVN)

Đấu giá hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tại Pháp ảnh 5

Phiên bán đấu giá bát vàng thời vua Khải Định. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Theo TTXVN