Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng nguy cơ ùn tắc đăng kiểm có khả năng sẽ trở lại trong những tháng tới do nhiều trung tâm đăng kiểm tạm đóng cửa và thiếu hụt nghiêm trọng đăng kiểm viên.
Các phương tiện xếp hàng vào đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 29-03V ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Với hàng loạt các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra sai phạm, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng đăng kiểm viên như hiện nay, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm có khả năng sẽ trở lại trong những tháng tới.
Nhiều trung tâm đóng cửa, công suất kiểm định giảm
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam đến ngày 2/3, tại Hà Nội có 20/31 đơn vị đăng kiểm tại đã tạm dừng hoạt động và chỉ còn 11 trung tâm đăng kiểm đang mở cửa.
Cụ thể, thành phố Hà Nội chỉ còn các trung tâm đăng kiểm đang mở cửa bao gồm 29-01V tại xã Liên Ninh, Thanh Trì; 29-03V phường Láng Thượng, Đống Đa; 29-04V xã Quang Minh, Mê Linh; 29-06V xã Tam Hiệp, Thanh Trì; 29-08D xã Kim Chung, Hoài Đức; 29-11D xã Đông Sơn, Chương Mỹ; 29-13D xã Nguyên Khê, Đông Anh; 29-17D phường Thạch Bàn, Long Biên; 29-22D thị trấn Phùng, Đan Phượng; 29-30D phường Yên Nghĩa, Hà Đông và 29-32D phường Yên Sở, Hoàng Mai.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 29-03V (quận Đống Đa, Hà Nội) tái diễn tình trạng hàng dài ôtô xếp hàng chờ tới lượt đăng kiểm. Nhiều chủ xe đã xếp hàng từ sáng sớm nhưng vẫn chưa đến lượt kiểm định và bày tỏ mong muốn các trung tâm đăng kiểm được mở cửa hoạt động trở lại để người dân bớt vất vả mỗi dịp đưa xe đi kiểm định.
Đại diện Trung tâm Đăng kiểm 29-06V cho biết trung tâm có 4 dây chuyền kiểm định nhưng đến nay chỉ còn 2 dây chuyền hoạt động, dù đã huy động cả những người bị khởi tố đi làm nhưng vẫn thiếu hụt 50% nhân lực. Mỗi ngày, đơn vị chỉ kiểm định tối đa từ 100-120 xe trong khi đến 11 giờ sáng đã có khoảng 200 xe xếp hàng chờ.
Mặc dù việc đặt lịch hẹn đăng kiểm qua app rất tiện lợi, tuy nhiên, đại diện các trung tâm đăng kiểm cho rằng với lượng xe đến đăng kiểm quá lớn, trong khi số lượng dây truyền kiểm định đã giảm rất nhiều so với trước đã dẫn đến việc không thể nhận các xe đặt lịch trên app mà phải ưu tiên phát phiếu chờ cho các xe đã xếp hàng trước trạm.
Tính đến ngày 1/3, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn 10/19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động (gồm 9 đơn vị và 1 chi nhánh); có 93/197 đăng kiểm viên làm việc, công suất 1.410 lượt xe mỗi ngày, bằng 33% so với điều kiện bình thường.
Với công suất này, mỗi tháng thành phố có thể kiểm định khoảng 27.000 xe, trong khi dự kiến nhu cầu đăng kiểm tháng Ba là 50.000 xe, tháng Tư khoảng 80.000 xe.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nêu ra thực tế hiện mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất) vì nhiều nguyên nhân như thiếu đăng kiểm viên; tỷ lệ xe kiểm định không đạt cao (20-30%) dẫn đến việc một xe cần phải kiểm định nhiều lần; tâm trạng, tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên bị căng thẳng nên giảm hiệu suất lao động; số lượng đăng kiểm viên xin thôi việc ngày càng tăng...
Giải bài toán thiếu hụt đăng kiểm viên
Để thuận lợi và giảm thời gian kiểm định xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm đều khuyến cáo chủ ôtô nên kiểm tra chất lượng xe trước, sửa các lỗi để tránh phải đăng kiểm nhiều lần, tốn thời gian cũng như tiền bạc và công sức.
Theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhân lực đăng kiểm viên đang thiếu nghiêm trọng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hòa Bình và Bắc Kạn cũng cần bổ sung đăng kiểm viên cấp bách do mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm nhưng đã bị tạm dừng hoạt động.
Ông An cũng cho biết do thiếu hụt đăng kiểm viên nên Cục Đăng kiểm đang phải sử dụng 12 đăng kiểm viên đã bị khởi tố (nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú) để vận hành lại hai trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội là 29-01V và 29-06V. Chưa kể, một số nhân viên tại một số trung tâm đăng kiểm thuyền xuyên làm việc trong tình trạng quá tải, không có giờ giải lao có người đã ốm, đổ bệnh vì quá mệt mỏi áp lực.
Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Đưa ra giải pháp nhanh nhất để các trung tâm đăng kiểm đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu quá cao hiện nay, ông An cho rằng đó là sửa đổi quy định và cho phép hai đăng kiểm viên vận hành một dây chuyền thay vì tối thiểu ba đăng kiểm viên như hiện nay để tăng năng suất vận hành ở các dây chuyền khác.
Nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết vướng mắc chủ yếu của Cục Đăng kiểm hiện nay trong tuyển dụng đăng kiểm viên đó là nếu thực hiện theo quy định, việc tuyển dụng phải mất ít nhất 60 ngày, quá dài so với tình hình cấp bách hiện nay khi việc thiếu hụt đăng kiểm viên rất nghiêm trọng.
Đưa ra dự báo tháng 4/2023 nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại, do đó, ông Tạo nhìn nhận nếu không tuyển dụng kịp thời để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm viên, từ đó có cơ sở bố trí nhân sự để khôi phục các đơn vị đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, rất có thể sẽ lại xảy ra tình trạng ùn tắc đăng kiểm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với lý do này, ông Tạo cho rằng Bộ Nội vụ nên xem xét kỹ lưỡng, có hướng dẫn cụ thể đối với Cục Đăng kiểm về quy trình tuyển dụng sao cho nhanh nhất, để kịp thời tuyển dụng nhân sự đăng kiểm viên nhưng vẫn tuân thủ theo đúng quy định pháp luật./.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào trưa ngày 3/3, tại Trung tâm đăng kiểm 29.03V (quận Đống Đa) có rất nhiều các phương tiện xếp hàng chờ làm thủ tục đăng kiểm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Như vậy, sau thời gian tạm lắng, tình trạng các phương tiện xếp hàng dài trước các trung tâm đăng kiểm để chờ tới lượt làm thủ tục kiểm định lại tái diễn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Cục Đăng kiểm cho biết thực tế hiện mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất) vì nhiều nguyên nhân như thiếu đăng kiểm viên; tỷ lệ xe kiểm định không đạt cao (20-30%) dẫn đến việc một xe cần phải kiểm định nhiều lần.(Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Vì vậy, một số phương tiện đã nhận được số thứ tự từ buổi sáng nhưng vẫn trong hàng chờ cho ca làm việc buổi chiều mới tới lượt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Với việc phải đợi cả dãy dài xe ôtô xếp hàng, nhiều tài xế ngao ngán chờ đến lượt vào đăng kiểm tiếp diễn trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Theo một số chủ xe, thậm chí có nhiều xe đã xếp hàng từ tối hôm trước để kịp vào làm đăng kiểm sáng hôm sau, còn những người sáng nay xếp hàng thì phải đợi chiều mới đến lượt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 29.03V (quận Đống Đa), hàng loạt ôtô xếp thành 2 hàng dài để chờ vào làm thủ tục kiểm định. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
2 hàng xe chờ đăng kiểm và 1 làn xe buýt đi qua chiếm trọn vẹn lòng đường khiến giao thông luôn đông đúc tại khu vực này. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Trung bình, một ngày trung tâm đăng kiểm này kiểm định được từ 170-180 xe. Trước đó, từ ngày 27/2 nơi đây đã xuất hiện tình trạng quá tải. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
-
Tại Hà Nội có 18/31 đơn vị đăng kiểm với 34 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động; nhiều địa phương cũng đang bị tạm dừng hoạt động trung tâm đăng kiểm khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm tái diễn từ ngày 27/2 đến nay và hiện đang ngày một nghiêm trọng hơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Việt Hùng (Vietnam+)