Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần 5/1, giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều. Trong khi cà phê Arabica tiếp tục giảm về mức thấp nhất trong 1 tháng, thì giá cà phê Robusta tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 giảm 2,75 cent/lb, ở mức 182,8 cent/lb, giao tháng 5/2024 giảm 2,4 cent/lb, ở mức 181,1 cent/lb.
Cà phê 2 sàn tiếp tục diễn biến trái chiều. Thông tin thời tiết có mưa tại Brazil và đồng USD hồi phục đẩy Arabica giảm sâu.
Thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy, Brazil đã cấp phép xuất khẩu cho khoảng 4,06 triệu bao cà phê (60 kg/bao) trong tháng 12/2023. Như vậy, xuất khẩu cà phê tháng 12/2023 nhìn chung có thể chững lại so với mức kỷ lục tháng 11/2023, nhưng vẫn cao hơn 33% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), FAS ước tính sản lượng niên vụ 2023 - 2024 của Việt Nam sẽ giảm xuống 27,8 triệu bao từ ước tính 31,3 triệu bao hồi tháng 5/2023, do thời tiết không thuận lợi.
USDA dự báo sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 vào khoảng 26,6 triệu bao, tăng 1,2% so với niên vụ trước; trong khi arabica giảm 11,1% xuống còn 880.000 bao.
Tuy nhiên, tổng nguồn cung của Việt Nam vẫn thấp hơn niên vụ trước do lượng tồn kho trong niên vụ 2022-2023 chuyển sang chỉ đạt 390.000 bao, giảm mạnh từ mức 3,58 triệu bao của niên vụ 2021-2022.
Do đó, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 2,4 triệu bao xuống còn 23 triệu bao. Tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến vẫn ở mức thấp là 359.000 tấn.
Cũng theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), các thị trường cà phê lớn ở châu Á giao dịch chậm lại trong bối cảnh nhu cầu thấp đối với cà phê Robusta của Việt Nam trong tuần này.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2023 ước giảm 9,6% so với năm 2022, xuống còn 1,6 triệu tấn, dẫu vậy doanh thu xuất khẩu tăng 3,1% đạt 4,2 tỷ USD.
Trong khi đó, dữ liệu chính thức từ Indonesia cho thấy, nước này đã xuất khẩu 12.962,36 tấn cà phê Robusta Sumatra trong tháng 11 vừa qua, giảm 77,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn mức xuất khẩu hàng tháng. Vụ thu hoạch Robusta ở phía Nam Sumatra thường được bắt đầu từ tháng 3 - 4 trong năm.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 12 đạt khoảng 190 ngàn tấn, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê cả năm 2023 ước đạt 1,606 triệu tấn, giảm gần 10% so với năm 2022.
Khi nhận định về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, ông Steve Wateridge - Trưởng phòng Nghiên cứu, Dịch vụ Nghiên cứu nhiệt đới cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta. Vụ thu hoạch sẽ kết thúc trước 6 tháng so với các nước trồng cà phê khác chính là lợi thế của cà phê Việt Nam và năm sau nếu có mùa vụ phù hợp có thể đón đầu xu hướng này.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, niên vụ cà phê 2023/2024 đã trải qua được 2 tháng và được dự báo tiếp tục là một niên vụ đầy khó khăn và thách thức đối với ngành cà phê thế giới.
Biến đổi khí hậu với những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cà phê toàn cầu, năng suất, sản lượng và chất lượng giảm, theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).