Đức: Chỉ có gần 50% số công ty có thể ứng phó nguy cơ tấn công mạng

Vũ Xuân Kiên
Theo Báo cáo của Cục Hình sự liên bang (BKA), trong năm 2022, cảnh sát Đức ghi nhận tổng cộng 136.865 vụ tội phạm mạng và trên thực tế có nhiều trường hợp không được thông báo.

Ngày 16/8, giới chức Đức cảnh báo nguy cơ tấn công mạng ở nước này vẫn ở mức cao, song chưa đầy 50% số công ty được trang bị để ứng phó với các cuộc tấn công tiềm tàng như vậy.

Báo cáo của Cục Hình sự liên bang (BKA) cho biết số vụ tấn công mạng ở Đức vẫn ở mức rất cao, trong khi Công ty Viễn thông Bitkom xếp mối đe dọa trên không gian mạng ở mức rất căng thẳng.

tancongmang-1692241253.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: straitstimes.com)

Trong năm 2022, cảnh sát Đức ghi nhận tổng cộng 136.865 vụ tội phạm mạng. Mặc dù số vụ giảm nhẹ 6,5% so với năm 2021, nhưng vẫn ở mức cao và trên thực tế có nhiều trường hợp không được thông báo.

Theo Bitkom, trong những năm qua luôn xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nhằm vào các công ty, khiến những thực thể này chịu thiệt hại trên 200 tỷ euro (hơn 218 tỷ USD) mỗi năm.

Bitkom đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với 603 công ty có từ 20 nhân viên trở lên. 63% số công ty tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại có thể trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng trong vòng một năm tới; 19% cho rằng sẽ không bị tấn công và 18% không đưa ra đánh giá.

Theo Chủ tịch Bitkom Ralf Wintergerst, khó có thể tưởng tượng mức độ thiệt hại nếu đó là tội phạm truyền thống, như các vụ cướp hoặc tống tiền.

Cũng theo ông Wintergerst, chỉ có 43% số công ty được hỏi cho rằng họ có thể ứng phó thành công khi bị tấn công mạng, trong khi 57% nhận định sẽ gặp khó khăn trong việc này.

Cục Hình sự Liên bang đánh giá tội phạm mạng bao gồm các tội phạm nhằm vào Internet, hệ thống công nghệ thông tin hoặc dữ liệu của một công ty hoặc tổ chức. Mối đe dọa lớn nhất đối với các công ty và tổ chức công là hình thức tấn công đòi tiền chuộc (ransomware).

Theo khảo sát của Bitkom, bất chấp rủi ro gia tăng nhưng 48% số công ty được hỏi không đầu tư đầy đủ cho an ninh mạng.

Trước thực tế này, Phó Cục trưởng BKA Martina Link cho rằng cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm mạng - hình thức phạm tội mà ở đó các đối tượng tấn công có thể nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, vào hệ thống hành chính công hoặc chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Bitkom khuyến nghị các công ty nên phân bổ tối thiểu 20% trong tổng chi tiêu cho công nghệ thông tin cho công tác bảo mật.

Năm ngoái, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser kêu gọi đầu tư hơn nữa cho an ninh mạng ở Đức, đồng thời đề xuất sửa đổi luật pháp để chuyển đổi Cục An toàn Công nghệ Thông tin Liên bang (BSI) thành trung tâm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng./.