Ngày 22/12, Đức đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có biện pháp chỉnh đốn đối với các quyết định "đột ngột" và "tùy tiện" của Twitter kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản mạng xã hội này.
Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Sven Giegold đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu (EC) và bày tỏ "những quan ngại lớn" về chính sách thiếu nhất quán của nền tảng mạng truyền thông xã hội này. Bức thư cũng đã được đăng tải trên Twitter.
Trong thư gửi tới Phó Chủ tịch EC phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager và Ủy viên phụ trách Thị trường nội khối của EU Thierry Breton, ông Giegold cho rằng EC nên tiến hành những đánh giá cần thiết càng sớm càng tốt theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số nhằm yêu cầu Twitter đóng vai trò "một người gác cổng," đồng thời đưa mạng xã hội này vào diện giám sát.
Quốc vụ khanh Giegold cũng kêu gọi bổ sung Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2024, nhằm ngăn chặn "việc hủy bỏ nền tảng (mạng xã hội)" của người dùng.
Đạo luật này được xây dựng với mục tiêu ngăn chặn các phát ngôn kích động thù hận trực tuyến, những thông tin sai lệch và tình trạng vi phạm bản quyền tại châu Âu vào thời điểm nhiều nội dung mà công dân EU xem trên mạng Internet bị các công ty có trụ sở tại Mỹ giám sát.
Trong thư, ông Giegold cũng nêu những quan ngại về các quy tắc nền tảng của Twitter và những thay đổi đột ngột cũng như việc áp dụng tùy tiện các quy tắc này.
Từ đó, ông cho rằng "EU nên sử dụng tất cả các khả năng sẵn có để bảo vệ sự cạnh tranh trên các nền tảng kỹ thuật số."
Theo hãng tin AFP (Pháp), 8 tuần kể từ khi tỷ phú Elon Musk trở thành chủ sở hữu chính thức của Twitter là quãng thời gian nền tảng này có nhiều xáo trộn, với việc sa thải hàng loạt, các tài khoản bị cấm đã hoạt động trở lại...
Cũng kể từ sau khi ông tiếp quản Twitter, số lượng bài viết có xu hướng phân biệt chủng tộc hoặc thù địch đã gia tăng.
Điều này một mặt khiến các nhà quản lý soi xét kỹ lưỡng, mặt khác cũng khiến các nhà quảng cáo lớn, vốn mang lại nguồn thu nhập chính cho Twitter, rời bỏ mạng xã hội này./.
(