Ngày 27/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định bất đồng về vấn đề giá năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU) chỉ có thể giải quyết trên cơ sở đoàn kết.
Phát biểu tại Athens nhân chuyến thăm Hy Lạp, ông Scholz nhấn mạnh mục tiêu chung nên là hạ giá năng lượng, Berlin phản đối áp trần giá khí đốt chung cho toàn khối.
Động thái của Đức dành 200 tỷ euro (200 tỷ USD) trợ giá khí đốt và từ chối cân nhắc áp trần giá năng lượng toàn khối đã khiến Pháp và một số nước khác trong EU không bằng lòng.
Mâu thuẫn này đã cản trở các nỗ lực của các Bộ trưởng Năng lượng EU nhằm tìm ra cách điều phối chi phí sản xuất điện trong khối.
Đây là vấn đề gây áp lực trong bối cảnh EU chật vật vì lạm phát tăng phi mã do giá năng lượng tăng cao.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa đẩy kinh tế EU vào tình trạng suy thoái ngay khi khối này còn đang tìm cách phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí lộ trình giảm giá năng lượng, giao Ủy ban châu Âu (EC) và các bộ trưởng xây dựng các đề xuất chi tiết được các nước thành viên chấp thuận.
Tuy nhiên, nhiệm vụ tìm ra chính sách chung phù hợp cho tất cả được cho là vô cùng khó khăn vì 27 nước thành viên sử dụng những nguồn năng lượng đa dạng gồm than đá, khí đốt, gió, hydro và hạt nhân.
Về vấn đề này, ông Sholz cho rằng các Bộ trưởng năng lượng EU còn rất nhiều việc phải làm nhưng tin tưởng sẽ tìm ra giải pháp giúp kiềm chế tình trạng tăng giá khí đốt.
Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Athens, ông Scholz cho biết hai bên mong muốn cùng hành động để giảm giá khí đốt.
Hy Lạp nằm trong số 15 nước muốn áp dụng trần giá khí đốt toàn khối do lo ngại giá khí đốt tăng mạnh dẫn tới áp lực lạm phát cho nền kinh tế mỗi quốc gia.
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ họp trong ngày 24/11 và quyết định có nên yêu cầu EC đưa ra mức trần giá khí đốt hay không.
Ông Mitsotakis cũng mong muốn vấn đề này sẽ được tháo gỡ trong các cuộc họp cấp bộ trưởng thay vì đưa trở lại cấp lãnh đạo quốc gia thành viên./.