Các chuyên gia y tế nhận định rằng số ca mắc COVID-19 tại Đức trên thực tế cao hơn, nhưng do công tác xét nghiệm không còn được tiến hành với tần suất như cũ nên số liệu thống kê không chuẩn xác.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt mốc 30 triệu ca, sau khi ghi nhận thêm 136.624 ca mắc mới ngày 21/7, tăng vọt so với mức khoảng 16.000 ca chưa đầy một tuần trước.
Các chuyên gia y tế nhận định rằng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này trên thực tế cao hơn, nhưng do công tác xét nghiệm không còn được tiến hành với tần suất như trước đây nên số liệu thống kê không chuẩn xác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach ước tính trong tháng Sáu, số ca mắc COVID-19 trên thực tế có thể cao gấp 2 lần thống kê.
Đức đã ngừng xét nghiệm PCR miễn phí cho người dân vào cuối tháng 6 do không thể tiếp tục đáp ứng chi phí.
Thống kê chính thức số ca mắc COVID-19 của nước này chỉ bao gồm các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác định thông qua xét nghiệm PCR.
Xu hướng gia tăng trong số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này cũng được phản ánh qua số trường hợp xin nghỉ ốm.
Theo công ty Barmer Ersatzkasse - một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất nước Đức, trong tháng qua, số người xin nghỉ ốm tăng gần 2 lần so với con số ghi nhận tháng Sáu, với 123 người/10.000 người đăng ký bảo hiểm.
Theo 1 nghiên cứu của RKI, tính đến cuối năm 2021, cứ 10 người trưởng thành tại Đức thì có 1 người từng mắc COVID-19.
Tỷ lệ lây nhiễm này được coi là khá thấp sau khoảng thời gian 2 năm đại dịch, cho thấy hiệu quả của các biện pháp khống chế đại dịch được áp dụng tại quốc gia này.
Nhóm nghiên cứu của RKI khuyến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng, đặc biệt chú trọng việc tiêm các mũi vaccine tăng cường nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
Trong số 69,4 triệu người Đức từ 18 tuổi trở lên, khoảng 85% đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tỷ lệ người dân đã được tiêm mũi vaccine thứ 3 là khoảng 75%, trong khi tỷ lệ người được tiêm mũi vaccine thứ 4 chỉ khoảng 9%.
Ủy ban Thường trực về Tiêm chủng (STIKO) của Đức hiện chỉ khuyến nghị tiêm mũi 4 vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 70 tuổi, những người sống trong các cơ sở chăm sóc y tế, người bị suy giảm miễn dịch và các nhân viên y tế.
STIKO không ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Lauterbach về việc mở rộng khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ 4 cho những người dưới 60 tuổi.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) Frank Ulrich Montgomery, lại đồng tình với quan điểm của ông Lauterbach, cho rằng nên tận dụng mọi cơ hội để nâng cao khả năng miễn dịch của người dân./.