Đức: Triển vọng kinh tế sáng hơn nhưng chưa hết u ám

Tran Huy
Các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 0,2% trong năm 2023, cao hơn so với dự đoán trước đó là sẽ giảm 0,2% và năm 2024 sẽ tăng trưởng 1,3%.

Duc: Trien vong kinh te sang hon nhung chua het u am hinh anh 1

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết dự báo triển vọng kinh tế ngắn hạn của nước này đã cải thiện trong những tháng gần đây nhưng chỉ ở mức hạn chế, và tình hình vẫn căng thẳng, với lạm phát tiếp tục chi phối các dự báo tăng trưởng.

Theo báo cáo trên, bất kỳ sự gia tăng nào đều có thể bị hạn chế do lạm phát vẫn cao, điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và nhu cầu bên ngoài trì trệ. Báo cáo cho rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế Đức đã sáng sủa hơn do nguồn cung năng lượng bước đầu ổn định và giá bán buôn thấp hơn.

Các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 0,2% trong năm 2023, cao hơn so với dự đoán trước đó là sẽ giảm 0,2% và năm 2024 sẽ tăng trưởng 1,3%.

Mặc dù vậy, báo cáo cho biết tình trạng lạm phát có xu hướng tiếp tục tăng gây ra tình trạng mất sức mua và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, lãi suất tăng cao tác động tiêu cực đến các điều kiện tài chính và dẫn đến sự sụt giảm trong đầu tư.

Cho dù có thể sẽ giảm trong suốt cả năm, nhưng hội đồng chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra, với mức trung bình là 6,6% trong năm 2023. Các chuyên gia kỳ vọng lạm phát có thể giảm xuống khoảng 3% trong năm tới.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng Khu vực đồng euro (Eurozone).

Mặc dù dự báo mới nhất của ECB đã hạ lạm phát và nâng triển vọng tăng trưởng trong năm nay, tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết những dự đoán này không tính đến những biến động gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, vốn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế của khu vực Eurozone.

Việc Ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ UBS mua lại đối thủ trong nước Credit Suisse, vừa sụp đổ theo “vết xe đổ” của 3 ngân hàng Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng “quả cầu tuyết” trong lĩnh vực ngân hàng. Theo bà Lagarde, những căng thẳng trên càng làm tăng thêm những rủi ro mới.

Người đứng đầu ECB nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, nhưng không cam kết hoặc loại trừ khả năng tiếp tục tăng thêm lãi suất./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)