EU thúc đẩy ý tưởng hợp nhất các thị trường tài chính

Vũ Xuân Kiên
Tại hội nghị thượng đỉnh bất thường ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU cho rằng đã đến lúc cần mở rộng quy mô của thị trường chung ra các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, viễn thông và tài chính.
eu-1713512350.jpg
Ý tưởng hợp nhất các thị trường của 27 nước thành viên EU đã gây tranh cãi gay gắt giữa các nhà lãnh đạo của khối. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy ý tưởng hợp nhất các thị trường tài chính của khối trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ, kể cả trong cuộc đua về công nghệ sạch.

Một thị trường chung đã hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp châu Âu trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không đến sản xuất hóa chất và ôtô. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, EU nhất trí rằng khối này cần có bước tiến mới.

Tại hội nghị thượng đỉnh bất thường ở Brussels ngày 18/4, các nhà lãnh đạo EU cho rằng đã đến lúc cần mở rộng quy mô của thị trường chung ra các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, tài chính và viễn thông.

Quan điểm trên được đưa ra khi sự phân mảnh trong các lĩnh vực trên do quy định của các nước làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của EU trong thời điểm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ đang đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy các lĩnh vực chủ chốt.

Mặc dù EU có đồng tiền chung, thực tế hiện nay có nghĩa các doanh nghiệp khởi nghiệp của khối không thể huy động được số tiền lớn như các đối thủ của Mỹ, và người châu Âu hiện đang gửi hơn 300 tỷ euro (318 tỷ USD) tiền tiết kiệm ở bên ngoài, chủ yếu là vào các thị trường Mỹ, mỗi năm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói đó là khoản đầu tư cho sự phát triển mà các doanh nghiệp và EU đã bỏ lỡ và là sự phân mảnh của các thị trường vốn của khối.

Tuy nhiên, ý tưởng hợp nhất các thị trường của 27 nước thành viên EU đã gây tranh cãi gay gắt giữa các nhà lãnh đạo của khối.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tranh luận kéo dài do sự khác biệt về xuất phát điểm của các nước. Liên minh tiết kiệm và đầu tư là giải pháp để huy động nguồn tài chính tư cho các ưu tiên của khối. EU có dân số 450 triệu người và có một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Đức và Pháp.

Tuy nhiên, trong khi gần 15% các khoản tiết kiệm cá nhân vẫn được gửi vào các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, khoảng 1/3 trong 35.000 tỷ euro tiết kiệm ở châu Âu chưa được sử dụng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng tình với quan điểm của ông Macro, khi cho rằng các công ty châu Âu cần được hưởng lợi từ lợi thế chi phí nhờ một thị trường nội khối quy mô lớn nếu khối này muốn thúc đẩy tăng trưởng, cạnh tranh và chuyển đổi xanh và kỹ thuật số thành công.

Theo Ủy ban châu Âu, chuyển đổi năng lượng sạch và kỹ thuật số mà EU xem là ưu tiên trong những năm tới đòi hỏi tăng đầu tư hàng năm gần 620 tỷ euro.

Từ trí tuệ nhân tạo đến các tấm pin năng lượng mặt trời, từ chip máy tính đến pin, EU đang để mất động lực đổi mới trước các nền kinh tế lớn khác.

Ông Enrico Letta, tác giả của báo cáo về thị trường chung, cho rằng khoảng cách giữa EU và Mỹ đang ngày càng lớn hơn.

Số liệu chính thức của EU cho thấy sự trì trệ về kinh tế của khối đã kéo dài hơn 18 tháng. Trong khi các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đạt mức tăng trưởng tương ứng 2,5% và 5,2% trong năm 2023, số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) tháng trước cho thấy kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,4%./.