Với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai, Bộ Công Thương đề xuất giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành. EVN thấy rằng, đề xuất trên không khả thi trong điều kiện tại Việt Nam. Vì các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau và đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được.
Bên cạnh đó, việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để tính giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào xác nhận, chịu trách nhiệm về số liệu này. Ngoài ra, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân sẽ phát sinh những vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN. Ở kinh nghiệm quốc tế, các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá ưu đãi cố định (FIT).
Nhà máy Điện gió Trung Nam, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: NAM ĐÔ |
EVN kiến nghị, trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt. EVN đề nghị Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này.
Về dài hạn, đối với các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu, theo hai bước: Lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Luật Đầu tư mới với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn nhất định. Sau một thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác. Bước tiếp theo là các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và phát triển dự án; đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công Thương.
Đối với đề xuất của Bộ Công Thương về việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và chủ đầu tư đối với các dự án đã vận hành thương mại, EVN cũng cho rằng, do các PPA được ký hiện nay là các PPA mẫu do Bộ Công Thương ban hành, căn cứ theo Luật Thương mại, Luật Điện lực và Luật Dân sự nên EVN đề nghị việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh nội dung của PPA phải căn cứ vào những điều khoản của PPA đã ký và các luật trên.
Đến nay, sau nhiều tháng chờ đợi, chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió và điện mặt trời vẫn đang được các cơ quan quản lý xem xét, nghiên cứu. Báo Quân đội nhân dân cũng vừa đăng tải vệt 4 bài "Ổn định chính sách cho năng lượng tái tạo" nêu những vướng mắc và đề xuất giải pháp phát triển năng lượng tái tạo.