Theo các nguồn tin, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã nhất trí áp mức giá cố định khi hoàn tất việc áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga, thay vì thả nổi.
Các quan chức Mỹ và các nước G7 đã tích cực đàm phán trong những tuần gần đây về kế hoạch áp trần giá lên dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển, dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12, để đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và Mỹ nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc huy động nguồn lực liên quan đến xung đột tại Ukraine không gây sức ép lên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Một nguồn tin từ liên minh trên cho biết các nước đã nhất trí áp trần giá cố định và đánh giá định kỳ để gia tăng sự ổn định của thị trường và đơn giản hóa việc tuân thủ, giảm thiểu sức ép với các các bên tham gia thị trường.
Mức giá ban đầu chưa được ấn định nhưng sẽ được đưa ra trong những tuần tới. Các đối tác trong liên minh đã nhất trí đánh giá định kỳ về mức giá này và điều chỉnh nếu cần.
Nga có thể hưởng lợi với cơ chế thả nổi giá theo giá dầu Brent, do giá dầu của nước này có thể tăng nếu giá dầu Brent tăng khi Nga cắt nguồn cung, trong lúc nước này là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Việc áp dụng cơ chế giá cố định sẽ cần liên minh trên tiếp tục thảo luận.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác trong G7 đã nhất trí áp trần giá đối với dầu thô từ ngày 5/12 và các sản phẩm từ dầu vào ngày 5/2/2023 nhằm hạn chế nguồn tài chính của Nga mà không ảnh hưởng tới nguồn cung cho người tiêu dùng.
Nga cho biết sẽ không cung cấp dầu cho những nước áp trần giá./.