Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (12/9). Thời gian áp dụng là từ 15h.
Theo đó, mỗi lít xăng RON 95 giảm 1.020 đồng, về mức 23.210 đồng và E5 RON 92 là 22.230 đồng, giảm 1.120 đồng/lít.
Còn dầu diesel giảm 1.000 đồng một lít, về mức 24.180 đồng. Mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.030 đồng/lít, về mức 24.410 đồng/lít. Dầu mazut giảm 1.040 đồng/kg, chỉ còn 15.030 đồng.
Tại kỳ này, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương điều hành trích lập quỹ bình ổn với xăng là 451 - 493 đồng/lít, còn dầu là 90-741 đồng/lít hoặc kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng. Mức chi Quỹ với dầu cũng giảm về 0 đồng. Mức trích lập vào quỹ với xăng vẫn giữ nguyên nhưng tăng với dầu. Cụ thể, RON 95-III vẫn trích 493 đồng/lít; E5 RON 92 là 451 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel tăng trích lập từ 0 lên 90 đồng/lít, dầu hoả cũng từ 0 đồng lên 200 đồng/lít và dầu mazut tăng 100 đồng/lít lên 741 đồng/kg.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 8/9 cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tiếp tục giảm so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON 95-III có giá 101,67 USD/thùng, xăng E5 RON 92 về 96,95 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong gần 8 tháng qua, tương đương với giá xăng trong nước tháng 1 là 23.870 đồng/lít với xăng RON 95-III. Nếu trừ thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng nay chỉ còn 20.570 đồng.
Tương tự, giá dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này cũng giảm mạnh so với chu kỳ trước. Bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 9.9 với dầu diesel xuống 130,75 USD/thùng, dầu hỏa 128,22 USD/thùng, dầu mazut 413,96 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,13% xuống 85,809 USD/thùng vào lúc 8h01 (giờ Việt Nam) ngày 12/9. Giá dầu Brent cũng giảm 1,13% xuống 91,826 USD/thùng.
Giá dầu ngày 12/9 có xu hướng giảm trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế ngày một lớn trước làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Giá dầu hôm nay giảm còn do áp lực nguồn cung dầu thô hạ nhiệt khi hướng dẫn mới nhất của Mỹ cho thấy khách hàng vẫn có thể mua dầu thô của Nga nếu dưới giá trần.
Cụ thể, theo bản hướng dẫn được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 10/9, các công ty Mỹ sẽ được phép mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nếu họ tuân thủ mức trần giá do các nước đồng minh nhất trí.
Văn bản trên cũng nêu rõ, Mỹ sẽ cấm các dịch vụ liên quan đến vận chuyển dầu của Nga trên biển từ ngày 5/12 và các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5/2/2023. Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ không áp dụng đối với các bên mua nhiên liệu của Nga ở mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn giá trần sẽ được thiết lập bởi liên minh các nước G7 và EU trong thời gian tới.
Nếu các giao dịch này đáp ứng các yêu cầu về giá thì cũng có thể tiếp cận các dịch vụ như bảo hiểm và tiếp nhiên liệu…
Giá dầu giảm cũng bởi thực tế về khả năng cắt giảm nguồn cung và việc tăng lãi suất mạnh mẽ và chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu. Nhập khẩu dầu thô từ tháng 1 đến tháng 8 của Trung Quốc đã giảm 4,7%, mức giảm đầu tiên trong khoảng thời gian 8 tháng kể từ khoảng năm 2004. Nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 8/2022 đã giảm tới 9,4% so với một năm trước đó. Lượng xăng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm tới 36% so với cùng kỳ 2021.
Tính từ đầu năm đến nay, tại thị trường trong nước, giá dầu đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 9 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%). Trong khi xăng RON95 và E5 RON92 đã giảm về mức tương đương giá đầu tháng 1.