Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với những bộ tiêu chí cụ thể đã trở thành kim chỉ nam không chỉ giúp cho nhiều địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM mà còn hướng đến NTM thông minh. Tuy nhiên, do không có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiếu định hướng quy hoạch kiến trúc nông thôn, dẫn đến cảnh quan nông thôn đang bị phá vỡ, mất dần bản sắc và kiến trúc truyền thống.
Hạ tầng cơ sở nông thôn được thành phố Hải Phòng chú trọng đầu tư, xây dựng. |
Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, quy hoạch được xem là luôn đi trước một bước để định hướng cho lộ trình xây dựng NTM. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành cơ sở để triển khai các dự án, đẩy nhanh phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội… Quy hoạch cũng được chia thành nhiều giai đoạn và tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Sau 10 năm triển khai lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM (cấp huyện và xã), cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí về quy hoạch. Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và Ðông Nam Bộ có 100% số xã đạt tiêu chí quy hoạch; còn lại vùng miền núi phía bắc và duyên hải Nam Trung Bộ có tỷ lệ lần lượt là 85,3% và 92,3%.
Tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến vùng dân cư ven đô và vùng nông thôn. Tại những khu vực này, không gian sống đang bị cuốn theo mô hình đô thị thu nhỏ. Việc tự phát trong xây dựng nhà cửa, việc bê-tông hóa làng quê, việc thiếu thống nhất trong quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề… đã ảnh hưởng không nhỏ đến không gian kiến trúc truyền thống, di tích văn hóa lịch sử.
Ghi nhận tại tỉnh Lào Cai, việc lập quy hoạch phát triển trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn trong nhiều năm trở lại đây đều chủ yếu bám theo tuyến giao thông chính. Việc làm này đã hạn chế các tính năng của một khu công trình công cộng bố trí tập trung. Chưa kể những công trình, trụ sở này cùng với các khu trường học, nhà văn hóa, chợ dân sinh… được triển khai xây dựng theo khuôn mẫu, dẫn đến nhiều làng xã, khu dân cư, cơ quan hành chính… giống nhau.
Tư tưởng NTM là làm mới hoàn toàn nông thôn cũng diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long. Tại các khu dân cư, người dân tự xây dựng nhà ở không theo quy hoạch gây mất mỹ quan và không phù hợp với đặc điểm tập quán dân cư nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự tại Hải Phòng, ngân sách thành phố hỗ trợ trung bình cho mỗi xã thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu khoảng 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành phố chưa có đồ án quy hoạch vùng huyện được nghiên cứu, phê duyệt, dẫn tới sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, các trung tâm đô thị chưa phát huy được vai trò đầu tàu về kinh tế, chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nhiều nơi đô thị hóa tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp… Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa khu vực đô thị-nông thôn còn bị đứt gãy, chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ. Hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng…
Vì vậy, quy hoạch cần phải nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn, bảo đảm tính kết nối; quy hoạch nông thôn phải gắn với đô thị hóa. Cần có những quy định cụ thể về tiêu chí xây dựng NTM cho các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị. Ðồng thời, phải nghiên cứu, xem xét tính đặc thù với từng vùng miền, địa phương gắn với việc gìn giữ kiến trúc nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, xây dựng quy hoạch nông thôn không nên quá cầu toàn. Quy hoạch phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng, miền của làng quê Việt Nam. Không lấy quy hoạch đô thị để áp vào quy hoạch nông thôn. Không “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn.
Như vậy, chủ trương chung đã có, việc còn lại chính là các địa phương hiện thực hóa chủ trương này thế nào để có được một lời giải thỏa đáng cho quy hoạch nông thôn. Theo Ths, KTS Nguyễn Tuấn Minh, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, để không “mặc đồng phục” cho đô thị nông thôn, cần phải giải quyết các vấn đề như: Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đặc hữu; bảo tồn các làng truyền thống… thì kiến trúc công trình công cộng cần đơn giản, mạch lạc, khai thác được giá trị truyền thống như hình tượng hóa nhà rông, nhà dài, nhà sàn, cách điệu các chi tiết hoa văn dân tộc.
Ở góc độ địa phương, tỉnh Lào Cai cho biết sẽ thực hiện bốn giải pháp trong công tác quy hoạch nông thôn. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu về quy hoạch, chú trọng đến đặc thù của từng xã, thôn, bản. Kiên quyết thực hiện quy hoạch theo các tiêu chí đánh giá: công trình công cộng, nhà ở truyền thống, bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo thôn, bản…
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Ðức Thọ cho biết, Hải Phòng xác định sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định định hướng phát triển khu đô thị nông thôn và các khu chức năng, quy hoạch khu dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn để thực hiện tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Ðối với các huyện có tốc độ đô thị hóa cao, được định hướng chuyển đổi đơn vị hành chính cấp quận đến năm 2025 thì tiến hành lập quy hoạch chung bảo đảm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở đồng bộ với khu đô thị...
Mỗi địa phương đều đã xác định rõ mục tiêu và tầm quan trọng quy hoạch kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, để bảo đảm quy hoạch trong xây dựng nông thôn không lãng phí, các địa phương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM; bởi chính đội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách trong quy hoạch kiến trúc nông thôn. Ðồng thời, có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các nội dung đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chí quy hoạch xã NTM: tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ môi trường nông thôn trong thời kỳ mới, bảo đảm yếu tố văn hóa, vùng miền trong xây dựng kiến trúc NTM hiện nay.
Bài và ảnh: SƠN TRÀ