Góc nhìn của Luật sư Nguyễn Đức Hùng về ca khúc "There is no one at all" của ca sĩ Sơn Tùng

Vũ Xuân Kiên

(tapchivietduc.vn) - Vừa qua, mạng xã hội gây xôn xao dư luận về việc nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã tung ra MV ca khúc mang tên "There's no one at all". Hiện video này đã đạt hơn 4 triệu lượt xem trên nền tảng YouTube cùng hơn 100.000 lượt bình luận tranh cãi. Phóng viên Tạp chí điện tử Việt - Đức đã có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ góc nhìn của luật sư dưới góc độ pháp luật về ca khúc "There is no one at all" của ca sĩ Sơn Tùng.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Phóng viên: Luật sư có đánh giá như thế nào về tác động tiêu cực của sản phẩm âm nhạc này đến giới trẻ?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã phát hành MV "There is no one at all" - ca khúc tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp trên Youtube. Trong MV ca sĩ Sơn Tùng hoá thân thành một kẻ lang thang, sống trên xe chở rác, bất mãn và chán ghét cuộc sống, thường xuyên gây rối, anh bị đuổi đánh, bị cả xã hội quay lưng. Tuy nhiên, gây tranh cãi và chỉ trích nhiều nhất là cảnh cuối cùng của MV khi nhân vật chính giải quyết bế tắc cuộc đời mình bằng cách tự tử nhảy lầu.

Hình ảnh trong MV của ca sĩ Sơn Tùng M-TP có thể được coi là một tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay. Số lượng giới trẻ nghe nhạc của Sơn Tùng rất nhiều, những hình ảnh này có thể sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống dẫn đến việc làm theo của lứa tuổi học sinh đang muốn thể hiện mình bằng những hành động cực đoan, tiêu cực.

Bởi vì, xuyên suốt MV là loạt cảnh Sơn Tùng đương đầu với xã hội, bị đuổi bắt, đánh đập. Bên cạnh đó còn là những diễn biến diễn ra song song trong đầu, là nội tâm đầy giằng xé, đáng chú ý là cảnh cuối cùng của MV lại chính là khoảnh khắc nhân vật trong “There’s No One At All” tự kết liễu cuộc đời của mình bằng cách nhảy lầu.

Phóng viên: Ngay khi dư luận có ý kiến, cơ quan quản lý nhà nước (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đề nghị gỡ video này trên YouTube. Ông có đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của cơ quan quản lý trong bối cảnh những video độc hại xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây trên mạng xã hội?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay, có rất nhiều video độc hại xuất hiện trên các trang mạng xã hội, việc xử lý vi phạm đối với MV của ca sĩ Sơn Tùng, trở thành một sự nhắc nhở, lời răn đe cũng như bài học cho các nghệ sĩ, những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Sự vào cuộc của Cục Nghệ thuật biểu diễn thể hiện sự kịp thời và kiên quyết của Cơ quan này trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hợp lý. Bởi vì, chúng ta cần phải đánh giá ở nhiều cách tiếp cận khác nhau có những quan niệm khác nhau về lối sống, cũng như cách ứng xử, kể cả trong tác phẩm nghệ thuật. Do đó, việc đề nghị tháo gỡ video này trên YouTube này là phù hợp với thực tiễn xã hội của tầng lớp trẻ.

Văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xử lý tổ chức, cá nhân lưu hành ghi âm, ghi hình "There is no one at all" trên môi trường mạng.

Phóng viên: Xin luật sư cho biết phía kênh YouTube Sơn Tùng MTP có thể bị xử lý như thế nào với hành vi phát tán video này, theo quy định pháp luật?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cần xử lý, trong thời gian 24 (hai mươi tư) giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị là có cơ sở

Bởi vì, phía kênh Youtube ca sỹ Sơn Tùng đã vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ: “4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.”

Theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện biện pháp khắc phục buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

Còn theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 38/2016/TT-BTTTT Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến. Bởi vì, đây là một trong các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

“Điều 5. Các hành vi bị cấm

  1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Như vậy, sau thời hạn 24 giờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi thông báo lần 2. Trường hợp 24 giờ sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông gửi thông báo lần 2, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi trở lại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Như vậy, phía kênh Youtube Sơn Tùng M-TP có thể bị xử lý với hành vi phát tán video gây tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và Bộ Thông tin và truyền thông có thể đưa ra biện pháp chặn kỹ thuật gỡ bỏ các thông tin vi phạm.

Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư đã tham gia cuộc phỏng vấn này!

Xuân Kiên (thực hiện)

Ngày 29/4/2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao  và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu Thanh tra Bộ xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình của Sơn Tùng M-TP Official theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cụ thể, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận được thông tin về việc tài khoản youtube Sơn Tùng M-TP Official (có lượt theo dõi lớn) đăng tải bản ghi âm, ghi hình “There’s No One At All” tại đường link

Sau khi xem xét, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận thấy nội dung bản ghi âm, ghi hình “There’s No One At All” mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử…

Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, nhất là với trẻ em.

Do đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá nội dung trên có dấu hiệu vi phạm quy định cấm “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy, ngay lập tức phải có biện pháp dừng lưu hành sản phẩm này.

Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Thanh tra Bộ VHTT&DL xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình nói trên theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ[1]CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Đồng thời đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lý, ngăn chặn đối với các tổ chức, cá nhân đăng phát, lưu hành, phổ biến bản ghi âm, ghi hình trên trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.