Phát biểu chỉ đạo tại “Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh” do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi rất khẩn trương; “thời kháng chiến có câu “thời gian là lực lượng”; trong thời bình, xây dựng và phát triển đất nước cũng phải tinh thần như vậy”.
Thời gian qua, Hà Tĩnh tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác lập quy hoạch và là tỉnh thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Quy hoạch là động lực tăng trưởng bền vững
Đến dự hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, các tổ chức, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ nói chung, nhất là trong thời điểm kinh tế của cả nước đang chịu hệ lụy kéo dài do đại dịch Covid-19 và những biến động của thế giới trong những năm qua, cần phải huy động được các nguồn lực rất lớn để phục hồi và phát triển.
Nhấn mạnh công tác quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều đó tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tổ chức công bố, triển lãm rộng rãi thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm thông tin để quảng bá, giới thiệu quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc; và cho rằng, “triển khai quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững hơn”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Mở rộng tầm nhìn và khát vọng phát triển
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải: “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, để Hà Tĩnh khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới”.
Đồng chí Võ Trọng Hải nhấn mạnh, với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới nhà đầu tư.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch tỉnh; đồng thời, “nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch”.
Sau 192 năm thành lập (1831-2023) và 32 năm tái lập tỉnh (16/8/1991-16/8/2023), từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách và GRDP bình quân đầu người đạt rất thấp, Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên thuộc nhóm các tỉnh có quy mô kinh tế hàng đầu khu vực Bắc Trung bộ.
Tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao qua các thời kỳ (giai đoạn 1991-2022) đạt trên 9%/năm); quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt gần 93 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 70,5 triệu đồng, thu ngân sách năm 2022 đạt trên 18.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt gần 2 tỷ USD.
Về thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác trong phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công, vốn từ các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; khai thác hiệu quả các nguồn lực; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương cần tăng cường lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hết lòng hết sức đồng hành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương.
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh đổi mới tác phong lề lối làm việc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính hơn nữa; trong đó “nhận diện thật rõ và có giải pháp căn cơ, quyết liệt, hiệu quả, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công chức, công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”.
Theo đó, “Hà Tĩnh cần hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
“Tỉnh cần tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh, nhất là trong những ngành quan trọng như công nghiệp, du lịch, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; “tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Dịp này, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp; nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, minh bạch; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Tại hội nghị sáng nay, với 15 dự án được ký kết có tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng; 25 ghi nhớ hợp tác có tổng mức đầu tư hơn 210 nghìn tỷ đồng sẽ tạo động lực, dư địa mới cho tỉnh Hà Tĩnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ý kiến tham luận của các nhà đầu tư, tổ chức trong nước và quốc tế, phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Để thực hiện Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.
“Xác định, việc hoàn thiện và công bố quy hoạch mới chỉ là kết quả bước đầu. Thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả quy hoạch, địa phương phải giàu mạnh, văn minh, người dân được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tổ chức thực hiện quy hoạch phải bảo đảm khoa học, chặt chẽ nhưng phải linh hoạt, phù hợp quy hoạch tổng thể”, đồng chí Hoàng Trung Dũng nêu rõ.