Ngày 19/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2022.
Đây là năm thứ 11 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR index của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 6 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022: Hải Phòng xếp thứ hạng 2 về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) với kết quả đạt 91,09%, thấp hơn 0.01% so với đơn vị xếp vị trí thứ nhất là Quảng Ninh (đạt 90.10%). Hải Phòng và Quảng Ninh là 2 tỉnh, thành nằm trong nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90%. Với kết quả này, Hải Phòng đã lần thứ 10 liên tiếp nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính.
PAR INDEX được xác định qua 8 chỉ số thành phần gồm: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Thông qua Chỉ số cải cách hành chính, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Không những vậy, Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.