LANG THANG TRÊN ĐẤT CÔN MINH
Tối hôm đó, đúng giờ đã hẹn nhau từ trước với anh bạn lớn tuổi người Trung Quốc, tôi rời khỏi nhà mụ chủ ác độc, đến nơi hai đứa đã quy định. Tôi bỏ nhà nó đi, lòng còn căm: tôi sống ở đấy thật không bằng con chó! Con chó có lúc còn được chủ vuốt ve, chứ tôi thì chỉ toàn bị chửi mắng, bợp tai, đá đít, véo, cốc!
Ngoài giờ làm việc trong nhà chủ và đi gánh nước, tôi hay tha thẩn lên ga Chỉ Thôn nhìn tàu xuôi ngược nên biết được giờ nào tàu chạy lên Côn Minh, giờ nào tàu đỗ ở ga Chỉ Thôn. Tôi thuộc làu giờ tàu xuôi ngược.
Sân ga Chỉ Thôn có bốn đường ray. Chạy ra khỏi ga một quãng thì cả bốn đường nhập lại làm một, lên một cái dốc - chỗ này không có đèn điện - rồi thẳng đường chạy suốt.
Hai đứa chúng tôi đợi nhau ở đầu dốc. Chúng tôi đã nắm được quy luật của đoàn tàu: khi bắt đầu leo dốc đều chạy chậm lại. Bạn tôi học việc ở nhà ga, quen nhiều và cũng vào loại nghịch. Anh ta đã nói trước với một công nhân hỏa xa phụ trách phanh cho hai chúng tôi "đi nhờ".
Mùa thu. Rét sớm.
Đầu tàu kéo còi inh tai. Đêm hôm nay hai đứa chúng tôi rời khỏi Chỉ Thôn. Đoàn tàu chở hàng đang chuyển bánh, sắp đi tới chỗ chúng tôi chờ. Tàu chạy chậm lại. Một cánh cửa gỗ toa chở hàng đã mở sẵn. Chỗ này tối, thật dễ cho chúng tôi tót lên tàu.
Bạn tôi phóc lên toa xe, nhẹ như chim bay. Tôi theo chân, cũng khá nhẹ nhàng. Đúng như đã quy định trước với bạn tôi, người phụ trách phanh kéo cửa đóng chặt để che giấu cho hai thằng đi lậu vé. Chúng tôi ngồi vào đúng toa chở đồ đạc. Hai đứa tuy đã được người công nhân hỏa xa đồng ý cho đi nhờ nhưng vẫn cứ thấp thỏm không ngủ được.
Tôi nghĩ lung bung. Không có hình ảnh nào ở lâu trong đầu óc tôi. Đến hình ảnh mụ chủ nhà lầu bầu chửi suốt ngày, tôi cười thầm: "Hì, mày chửi thì chồng mày nghe, con mày nghe! Có đến Tết cũng chẳng tìm ra ông!" Tàu lắc lư đều đều làm tôi ngủ thiếp đi…
Bỗng tôi giật mình tỉnh dậy. Trong toa vẫn tối om. Tôi lắng nghe: tàu dừng lại rồi à? Tôi lay tay anh bạn:
- Đến rồi! Đến rồi! Tiểu Trương à!
Chàng thanh niên mới lớn có khác. Ngủ không buồn dậy nữa! Cánh cửa toa nặng trịch rít lên ken két. Gió thốc vào, lạnh buốt. Một tiếng nói cất lên:
- Hai thằng quỷ! Xuống!
Nghe tiếng người quen, Tiểu Trương ngáp một cái dài, vừa ngáp vừa hỏi:
- Đến Vân Nam rồi hở? Chà! Mới đánh chưa được một giấc con…
Người gác phanh bảo chúng tôi xuống nhanh, kẻo trưởng xe trông thấy. Ông bảo chúng tôi:
- Mới đến Khai Viễn! Tàu chạy đến đây thôi! Không chạy nữa. Đổi tàu!
Chúng tôi chuồn xuống. Tôi nghĩ thầm: "Bỏ mẹ! Khai Viễn thôi à? Mới được non phần ba đường(1)! Thằng nghiện nó đuổi còn kịp!" Tôi không nói ra, nhưng cũng thấy lo lo: lo mụ vợ lão phắc-tơ già nổi tam bành, gọi cảnh sát…
Hai đứa chúng tôi ra cửa ga: cửa ga khóa chắc! Không ra được. Lại phải quay vào. Loanh quanh mãi, mỗi thằng tìm một cái vòm nhỏ trên toa xe - dành cho người gác phanh - trèo lên, ngủ cho đến sáng.
Sáng ra. Cửa ga mở. Chúng tôi chuồn ra. Một lớn, một bé cùng mặc quần áo xạ-phang, đi trên đường phố Khai Viễn. Tôi không có một xu dính túi, nhưng rất tự tin. Quyết ra đi! Quyết tìm được việc làm tốt hơn!
Tiểu Trương có mấy đồng bạc. Anh dắt tôi vào một hàng bánh. Bánh địa phương đây vừa mì vừa ngô trộn với nhau rồi cho tí mỡ dầu rán lên, trông cũng ngon và hấp dẫn lắm. Anh bạn thết tôi một bữa bánh: đang đói, ăn cứ lịm người.
Rồi hai thằng lại đi lang thang, hỏi han giờ tàu, tìm cách tối bám lên. Tiến tới Vân Nam! Nhất định là như thế!
Đường từ Khai Viễn đi Vân Nam phần lớn là đường núi. Những lúc tàu chạy lên sườn núi, đứng trên tàu nhìn xuống thăm thẳm. Lỡ tay bám, rớt xuống thì nát vụn bằng cám! Lại còn nhiều suối sâu và nhiều đường hầm xuyên qua núi, chẳng biết cao thấp ra sao, nông sâu thế nào. Tàu chạy băng băng, cứ thấy nó lù lù đằng trước mặt như cả một quả núi đá đen sì, lừng lững, mỗi đứa phải tìm lấy một chỗ ẩn náu cho thích hợp. Tụm lại một chỗ vừa dễ bị phát hiện, bị bắt, bị "mời" xuống đường cái.
Tối hôm đó chúng tôi bám được lên tàu chạy suốt. Mỗi khi đoàn tàu chạy đến gần ga, chỉ sợ bị tóm. Có ga, một người cầm đèn bốn mặt cứ giơ cao lên quá đầu soi soi. Tôi từ chỗ vòm gác phanh phải bò lên mái, nằm dán mình xuống để lẩn tránh. Từ ga này đến ga kia chúng tôi cũng rút được kinh nghiệm. Tuy mỗi đứa một toa khác nhau, chúng tôi cũng tìm đến nhau, trao đổi dặn dò nhau: "Tìm chỗ tối mà đứng! Đứng tránh hẳn về một bên! Phải cẩn thận!"
Mấy cái bánh mì ngô ăn buổi sáng đã hết veo từ lúc nào. Gió lại quạt tợn, đâm ra khát nước. Chúng tôi không dám xuống xe đi tìm cái ăn vì sợ lộ. Mỗi lần đến ga, sân ga nhộn nhịp, hàng quà bánh rao ời ời, chúng tôi đành phải bấm bụng tìm chỗ kín nhất, tốt nhất để tránh những con mắt soi mói.
Đi chuyến này tôi sợ nhất những lúc đoàn tàu chui vào các đường hầm xuyên qua núi. Còi tàu thét đinh tai. Từng cột khói và bụi than ồng ộc phụt ra, kéo dài ra, bao vây lấy tôi đang ngồi chồm chỗm trên nóc toa. Bụi than chui vào mắt, cộm lên, không mở được mắt. Tàu chưa chui vào đường hầm, tôi đã nằm ẹp xuống: sợ va đầu vào vách núi đá, sợ chết.
Tàu chạy suốt đêm: cả một đêm căng thẳng, không lúc nào dám chợp mắt, dù chỉ một giây lát. Một đêm đói, khát và rét. Tôi ngẫm ra được điều này và thấy là chí lý: đói, rét đi liền với nhau; bụng càng đói thì cật càng rét! Gần sáng, tàu đến Vân Nam. Hai đứa chúng tôi xuống tàu đi phất phơ, chưa biết ngã vào đâu…
Ra khỏi cửa ga chúng tôi chia tay nhau. Cũng chẳng có lời gì với nhau, chẳng có hẹn hò nào cả. Tiểu Trương là người địa phương, lại lớn hơn tôi, việc thích hợp với anh chưa chắc đã là thích hợp với tôi. Anh bạn cũng không có nhà quen. Phải đi tìm được việc làm đã! Đất khách quê người, lại mới chỉ là một thằng bé con… Chúng tôi rời tay nhau lúc nào không biết…
Tôi đi loanh quanh, tìm việc. Cả ngày nhịn đói, đi lang thang. Nếu tôi không khí khái, cứ vào xin đồng bào địa phương thì cũng có cái ăn. Nhưng tôi không muốn đi ăn xin. Tôi muốn có một việc làm, mình tự lao động mà nuôi mình. Nhiều lúc đầu gối đã run lên rồi, nhưng tôi nhất định đi thẳng. Buổi tối, tôi vào công viên Hạ Lầu ngủ.
*
* *
Tôi nằm co ro trên một cái ghế đá trong công viên Hạ Lầu. Quần áo: nhất bộ. Chấy rận: lu bù. Đã thế, những bãi cỏ rậm những hoa quả rụng trong công viên thối và rữa ra là những ổ muỗi đói. Trong manh áo rách, trong tóc rậm rì đến mang tai, rận chấy hoành hành, cắn ngứa ran cả người. Những con muỗi chết tiệt! cứ nhè những mảng thịt không có vải che trên người để cắm sâu cái vòi sốt rét vào. Nhiều lúc bàn tay tôi vả cả vào chính mặt mình, đập chết dí chúng nó. Thế mà chết con nọ, con kia vẫn cứ xông tới.
Mấy ngày lang thang ở cái thị xã Côn Minh này, bụng chưa được thấy mùi cơm gạo. Ban ngày tôi đi xin việc làm. Nhưng ở đây cũng không quen ai. Cả anh bạn lớn tuổi người Trung Hoa, tôi cũng không gặp lại. Không hiểu anh lang bạt tận đâu rồi? Mục đích chính của tôi là xin việc làm để mà có cái ăn, không thì phải đi ăn xin, không có cách nào khác. Chiều tối, tôi lại lỏn vào công viên Hạ Lầu.
Công viên Hạ Lầu ở ngoại ô thị xã Côn Minh. Công viên rất rộng, có hàng rào bao bọc, có rất nhiều thứ cây ăn quả, có đào - đào Vân Nam thì có tiếng là ngon - có táo, và những quả be bé tôi không còn nhớ tên, ăn ngọt lịm. Coi công viên là một ông già người Trung Hoa. Ông gác này ở một căn nhà nhỏ, cuối công viên.
Tôi sống loanh quanh ở vườn hoa. Đầu tiên xin ông gác ăn. Ông cũng nghèo, nhưng thấy tôi rách rưới, đói khát, trông chẳng ra hồn người, thương tình cho ăn. Đêm đầu tiên nằm trên ghế đá, tôi đếm các vì sao. Ở quê nhà, cái đất Thường Tín xa xôi, mỗi đêm trời nhiều sao bọn trẻ con chúng tôi thi nhau ngửa cổ lên trời đêm, tìm ra (( con vịt lội qua sông )) và cái thanh kiếm dài dắt vào thắt lưng (( ông sao chiến sĩ )). Tôi nhớ đến những lần đánh (( giặc châu chấu )) với trẻ chăn trâu hồi làm con nuôi kiêm thằng nhỏ cho ông khóa Đảm, đến những trận bày làm quân cờ đen. Ôi, thú vị thay cái tuổi thơ ấu nghịch ngợm của tôi! Cùng với những kỷ niệm đó, tuy đói, tôi ngủ quên đi…
Hôm thứ hai, ông gác phát hiện thằng bé rách rưới, hốc hác nằm trên ghế đá. Ông ta đuổi tôi ra. Tôi rời cái “ giường” của tôi một cách bất đắc dĩ, đi ra phố còn nhận được một câu chửi đuổi theo bằng tiếng Trung Hoa:
- Oắt con! Xểnh ra là ăn cắp ngay đấy!
Tôi định quay lại, quát tướng lên: “Không thèm! Tôi không ăn cắp!” Nhưng nghĩ lại chẳng ích gì. Tôi loanh quanh một lát, rồi lại lỏn vào trong công viên, nằm khểnh trên ghế đá, nghe lá rụng rào rào. Ông già coi công viên không thể cứ mỗi lúc lại rời bỏ căn nhà ấm cúng của ông để đi khắp cái công viên rộng thênh thang này được. Ban ngày, tôi nhặt quả rụng ăn. Sau đói quá, trèo lên cây, vặt trộm quả đào, quả táo, nhét cho đầy cái bụng lép kẹp. Tôi ăn chứ tôi không ăn cắp! Tôi cũng như con chim mà thôi. Không ăn thì quả cũng rụng xuống, thối đi, hoài phí. Những quả đào to bằng nắm tay người lớn, ngọt và mát, những quả táo ngọt mà lại thêm cái vị chan chát “cãi nhau” lộn bậy trong bụng tôi. Tôi nghĩ thầm: “Kể cũng đói! Mình không quen ăn quả thay cơm. Nhưng đói thì đói, nhất định không quay về nhà chủ cũ. Nhất định!”
Ở thị xã Côn Minh có một số Việt kiều làm công nhân xe lửa Vân Nam. Cũng có cả công chức và người buôn bán. Tôi không muốn đến với họ, nghĩ lại, đi ở thì cũng lại khổ như nhà mụ vợ thằng cha phắc-tơ nghiện ở ga Chỉ Thôn mà thôi… Tôi muốn làm anh thợ.
Tôi đi đến một cái xưởng máy Lệ ở Vân Nam, vào học việc phải có người bảo đảm (từ hai người trở lên) và phải học việc trong ba năm mới được nhận làm thợ và được trả lương. Tôi làm sao mà có người nhận bảo lĩnh ở đây được? Nhưng tôi cứ liều vào hỏi tay thư ký người Trung Hoa ngồi ở phòng giấy. Hắn trừng mắt nhìn tôi từ cái tóc rậm rì đến cái quần rách bươm và đôi chân đi đất:
- Mày có người bảo đảm không? Ma-ni-cơ-pi!(2)
Không cần để tôi trả lời, hắn đuổi tôi ra.
Tôi đi loanh quanh, hết xưởng này đến xưởng khác. Chẳng xưởng nào nhận cả. Cả ngày nhịn đói đi lang thang tìm việc. Tôi không muốn chìa tay ăn xin. Tôi muốn có một việc làm: mình tự lao động và nuôi mình. Nhiều lúc đầu gối đã run lên rồi, nhưng tôi nhất định đi thẳng. Buổi tối, tôi vào công viên Hạ Lầu ngủ. Lòng càng thêm chán ngán. Ông gác thấy tôi cũng chẳng buồn xua nữa. Vì có lần tôi bảo ông:
- Cháu đi tìm việc nhưng chưa tìm ra. Ông có việc gì cháu xin giúp.
Ông gác chẳng có việc gì ngoài cái việc trông coi vườn hoa công cộng này.
Một buổi sáng…
Tôi lang thang đi tìm việc ở cái thị xã Côn Minh này đến hôm nay nhẩm tính đã là ngày thứ bảy rồi. Một tuần lễ đói khát, lấy trời làm màn và ghế đá công viên Hạ Hầu làm chỗ ngủ.
Cái nhà máy tôi đến sáng nay chạy dài suốt mặt phố. Tiếng máy chạy rầm rầm.
Khoảng mười giờ.
Tôi kiễng chân nhìn qua cửa sổ, thấy một anh công nhân mặc áo xanh liền quần đầy dầu mỡ đang đứng trước máy. Tôi gọi, vì đói nên tiếng trở thành hổn hển:
- Anh… ơi! Anh!... Em hỏi… cái này!
Anh công nhân quay đầu ra, thấy cái đầu bù xù của tôi, nhìn tôi một hồi lâu rồi bảo:
- Em đứng đấy chờ nhé! Tí nữa tôi ra, nói chuyện sau.
Mãi không đến giờ tan tầm. Tôi hết đứng lại ngồi dựa lưng vào tường, nghĩ miên man. Tôi xem anh công nhân này có vẻ hiền hiền… Còi tầm vừa ủ lên, tôi chạy bay ra cổng nhà máy, đứng chờ. Tôi nhớ như in cái người dặn tôi đó.
Từ nhà máy về chỗ ở đến non cây số. Tôi đi bên anh công nhân đó. Anh hỏi hoàn cảnh của tôi. Tôi kể hết, kể cả chuyện đánh nhau với bọn con chủ nhà, không giấu giếm tí gì.
Anh bảo tôi:
- Em khá lắm! Về ăn cơm với tôi. Tôi cũng đói lắm rồi.
Về tới nhà, một số công nhân bạn khác thấy anh dẫn về một thằng bé mặc quần áo xạ-phang, rách rưới, bẩn thỉu, thì xúm lại hỏi. Thấy tôi nói tiếng Việt sõi quá, có anh cứ tròn xoe con mắt ngạc nhiên…
Ngay buổi trưa hôm đó, các anh cho tôi ăn một bữa cơm rất ngon, rất no. Vừa ăn, các anh vừa hỏi chuyện tôi. Sau đó các anh cho tôi tiền đi cắt tóc, rồi đi tắm. Anh công nhân mang tôi về cho tôi một bộ quần áo của anh, tôi mặc vào, rộng lùng thùng. Các thứ xắn lên… trông cũng tươm. Còi tầm đã ủ lên. Các anh công nhân lục tục đi làm. Anh công nhân dẫn tôi về ban sáng xoa đầu tôi, bảo:
- Em ở nhà nhé! Tối tôi về rồi nói chuyện nhiều…
Tối về, anh bảo tôi, giọng cảm động:
- Thôi! Ở đây với anh! Em ở đây với tôi…
Tôi chợt nghĩ đến cái việc lại phải làm “thằng nhỏ” đã thấy chan chán. Chừng như thấy ánh mắt tôi không bình thường, anh nói:
- Khác rồi em ạ! Ở đây em không bị ai áp bức bóc lột cả, cứ yên trí!
Từ đó, tôi ở với các anh công nhân. Cuối tháng, đến kỳ lương, anh công nhân mang tôi về nuôi dẫn tôi ra hiệu mua cho tôi một bộ quần áo và một đôi giày cao su (Ở Vân Nam, công nhân đi giày cao su là tương đối sang). Đóng bộ vào, tôi đứng trước gương, thấy thằng bé trong gương khác hẳn thằng bé rách rưới tháng trước. Anh công nhân đứng bên tôi mỉm cười. Tôi ngước nhìn anh, muốn nói mà không nói được…
Anh công nhân tốt bụng đó tên là Trịnh Đông Hải. Anh học trường kỹ nghệ ở Viên-chăn(3) làm thợ máy tàu thủy trên sông Mê-kông, làm cách mạng ở Lào rồi qua Xiêm(4), sau về Vân Nam làm ở xưởng máy này. Anh Trịnh Đông Hải nhận tôi làm con nuôi. Tôi được người bố nuôi trẻ tuổi dạy cho biết chữ quốc ngữ. Tôi từ một thằng bé khổ cực, mù chữ, đến chỗ biết chữ, biết đọc, biết viết chữ mẹ đẻ, lại biết đọc và viết cả Trung văn. Tôi vừa học vừa giúp việc thổi cơm…
(1) Từ Chỉ thôn đi Khai viễn mới được hơn 60 cây số
(2) Tiếng chửi
(3) Thủ đô Vương quốc Lào
(4) Nay gọi là Thái Lan