Lớn lên nhờ cách mạng (phần 4)

Lê Quang Vinh
(tapchivietduc.vn) - Kết thúc phần 3: "Lang thang trên đất Côn Minh" được bạn đọc đón nhận và ủng hộ, Tạp chí điện tử Việt - Đức tiếp tục gửi đến các bạn đọc Phần 4: "Đội thiếu niên Dục Tài" trong cuốn Hồi ký “Lớn lên nhờ cách mạng” của cố Thượng tướng Phùng Thế Tài.

ĐỘI THIẾU NIÊN DỤC TÀI(1)

Ở Côn Minh, từ trước đã có Việt Nam Quốc dân đảng hoạt động. Đảng này do Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ làm đầu sỏ, đồng thời làm tay sai cho Tưởng Giới Thạch. Lúc này chính quyền ở Trung Quốc còn nằm trong tay bọn Tưởng. Việt Nam Quốc dân đảng mất tín nhiệm với quần chúng, vì đảng này tuyên truyền thô bạo, lại bòn rút của cải của đồng bào, làm nhiều điều lếu láo, không tin được. Quần chúng hăng hái thiết tha với cách mạng, với giải phóng dân tộc, nhưng không ai dẫn đường. Vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương phái người về dìu dắt quần chúng.

Tưởng Giới Thạch bắt Cộng sản tợn lắm. Vì vậy lập một cái hội gì để thu hút quần chúng không thể mang danh nghĩa Cộng sản được. Nó biết là tổ chức Cộng sản thì nó bắn chết. Nếu lấy là Việt Nam Quốc dân đảng thì được chính quyền Vân Nam cho phép hoạt động và ủng hộ, nhưng lại mất tín nhiệm với quần chúng. Vậy thì làm thế nào? Các đồng chí được Đảng Cộng sản Đông Dương phái về đã lập một hội dể thu hút quần chúng lấy tên là “Việt Nam lao công thân ái hội”. Bên trong, bí mật, mình có một chi bộ gọi là chi bộ Vân – Quý (2). Đối với chính quyền Vân Nam, mình xưng là Việt Nam Quốc dân đảng, lợi dụng danh nghĩa tổ chức này để dễ bề hoạt động. Ngoài Việt Nam lao công thân ái hội, mình còn tổ chức đội đá bóng, hội thể dục thể thao…

Đầu năm 1935, Đội thiếu niên dục tài được thành lập và do Việt Nam lao công thân ái hội đỡ đầu. Đội thiếu niên dục tài do chi bộ Đảng phụ trách. Đồng chí phụ trách trực tiếp là Nguyễn Sĩ Nghiêm.

Đội viên của Đội thiếu niên dục tài là con công nhân, công chức hoặc là con các nhà buôn bán người Việt. Các nhà buôn bán ở đây có hai loại: loại khá giả thì thái độ lừng khừng, loại thường thì nhiệt tình hơn. Thông thường, bố gia nhập Việt Nam lao công thân ái hội thì mới cho con vào Đội thiếu niên dục tài. Cậu nào có bố mẹ làm thợ thì hoạt động tích cực.

Đội viên chúng tôi khoảng ba chục đứa, tuổi mười bốn, mười lăm. Đội viên đều ăn mặc thống nhất: mũ tàu bằng vải trắng có lưỡi trai đen, trên mũ có ngôi sao năm cánh bằng đồng; áo sơ-mi trắng, quần cụt xanh; trên ngực áo đeo quả tim đỏ, thêu bốn chữ vàng: TNDT (Thiếu niên dục tài viết tắt).

Công việc của Đội thiếu niên dục tài đại loại có ba thứ: về trí dục thì đội viên được học chính trị, nội dung yêu nước, chống Pháp; về thể dục thì được huấn luyện một số môn điền kinh, đi cắm trại, đá bóng, chơi bóng bàn; về công tác thì tổ chức đội đồng ca, đi hát trong những cuộc họp của các anh lớn, trong những ngày kỷ niệm lịch sử.

Đội bóng đá của chúng tôi thường tham gia thi đấu với các đội học sinh Vân Nam. Và thường là chúng tôi thắng. Những lần thi chạy xa, chạy dài, mình thường không hay bỏ cuộc như các đội học sinh. Có khi chạy mệt gần đứt cả hơi, người xem ở ngoài hò nhau la hét: “bỏ cuộc đi thôi!”, tôi vẫn cố giữ lấy hơi thở, quyết không chịu thua.

Có một lần kỷ niệm Đoàn thanh niên quốc tế(3), tôi nhớ là vào khoảng đầu tháng 9 năm 1935, Chi bộ Đảng định lấy ngày kỷ niệm đó làm ngày kỷ niệm Đội thiếu niên dục tài. Các đồng chí bảo mỗi đội viên chúng tôi làm một bài diễn văn. Các đồng chí ra nhiều đầu đề khác nhau và dành cho chúng tôi nhiều phần thưởng, Làm cả một ngày như vậy. Cuối cùng, một đồng chí lên kết luận cuộc thi và nói về Đoàn thanh niên quốc tế.

Các đồng chí thường dùng Đội thiếu niên dục tài để bảo vệ hội nghị chi bộ Đảng. Các đồng chí không nói cho chúng tôi biết mà chỉ bày cho chúng tôi chơi, bày ra những trò vui ở trước cửa nhà họp. Còn các đồng chí ở trong nhà làm công việc họp hành, tránh được những con mắt tò mò của bọn mật thám Pháp.

Một lần khác, Việt Nam lao công thân ái hội tổ chức ăn rằm tháng tám ở một tiệm nước để kỷ niệm Xô viết Nghệ - Tĩnh. (Năm ấy, ngày âm lịch và dương lịch xê xích nhau có ba, bốn ngày). Đội thiếu niên dục tài trở thành một đội xung phong công tác của chi bộ Đảng. Lẽ dĩ nhiên là điều này các đồng chí không hề cho chúng tôi biết. (Sau này, lớn lên và trưởng thành, tôi mới hiểu được hết những cái mà các anh giấu chúng tôi).

Trước con mắt thông thường của Việt kiều hồi đó. Đội thiếu niên dục tài chỉ là một tổ chức tập hợp một số con em Việt kiều. Lúc đầu có ít người cho con vào; sau, do sinh hoạt, ăn mặc gọn ghẽ, tôn chỉ của Đội đúng đắn, không cứ bố mẹ là hội viên Việt Nam lao công thân ái hội mới cho con cái vào Đội mà cả những người không phải là hội viên cũng cho con em vào. Dạo ấy có anh Vương Minh Phương(4) làm thợ may và anh Thành làm thợ máy là những đồng chí phụ trách trực tiếp. Hình thức tổ chức của Đội thì thấp thôi, vì sợ mật thám Pháp theo dõi, nhưng mang tính chất chính trị rất rõ nét.

Trụ sở của Đội thiếu niên dục tài lúc mới thành lập ở trên một căn gác hẹp, do các đồng chí Đảng thuê, dưới làm hiệu giặt. Về sau không có tiền trả tiền thuê nhà mới mượn cái gác của ông Trưởng Quay làm thợ máy ở ngay phố Hộ quốc lộ (Vân Nam). Đó là nơi chúng tôi định kỳ đến họp và học văn hóa: sinh hoạt vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Các bạn tôi lúc đó được bố mẹ cho đi học hàng ngày, về nhà thì bế em, tối thứ bảy và chủ nhật thì đi sinh hoạt Đội. Tôi thì lại khác. Đồng chí Trịnh Đông Hải, thợ nguội và là bố nuôi của tôi, cũng nghèo. Thấy ở đâu có công việc một ngày hơn được vài xu là bố nuôi tôi nhảy đi liền. Chỉ vài xu ấy, một ngày, một tuần, một tháng góp lại là có thể nuôi thêm được các đồng chí Đảng hoạt động. Chả thế mà đang làm thợ nguội ở một xưởng cơ khí của người Quảng Đông, thấy làm thợ nề lương thêm năm xu, bố nuôi tôi cũng bỏ thợ nguội đi làm thợ nề. Tiếng là đồng chí Trịnh Đông Hải nuôi tôi, nhưng cách nuôi cũng khác người. Đồng chí cho tôi đến ở nhờ một nhà thợ giặt, giúp việc lặt vặt, quét nhà, đun nước. Đó là nhà bà Hòa, một trong những cơ sở cách mạng của đồng chí. Tôi phải lao động, và tôi cũng thích làm như thế. Tôi thiếu cái gì thì đồng chí ấy cho. Tôi biết, ngoài tôi ra, đồng chí Trịnh Đông Hải còn nuôi hai em nữa: đó là Mẫn và Hội, đều mồ côi cả. Mẫn có dì ghẻ đi lấy chồng; Hội cũng còn bà con, chú bác ở Vân Nam này. Chỉ riêng tôi là không có bà con họ hàng gì ở đây. Cả ba đứa chúng tôi đều được đồng chí Trịnh Đông Hải nuôi và đưa đi làm ở ba chỗ khác nhau. Nguyên tắc của người bố nuôi trẻ tuổi ấy đối với cả ba đứa chúng tôi là: chúng tôi phải tự lao động lấy; có tiền thì may cho chúng tôi cái quần, cái áo.

Tôi được chỉ định làm đội trưởng Đội thiếu niên dục tài. Đội trưởng có nhiệm vụ triệu tập đội viên đến họp và sinh hoạt. Người nói chuyện cho chúng tôi nghe thường là đồng chí Đông A (đồng chí này chuyên về hoạt động), đồng chí Trịnh Đông Hải, đồng chí Tài (đồng chí này cũng chuyên về hoạt động, các anh khác đi làm về nuôi đồng chí). Chúng tôi thường được các anh kể chuyện cho nghe về tình hình cách mạng ở Tổ quốc. Chúng tôi được học về tình hình đế quốc Pháp xâm chiếm nước ta, nhiệm vụ đánh đổ Pháp, giành độc lập dân tộc. Học về tình hình thế giới và trong nước, tôi thường được bồi dưỡng trước, rồi nói lại cho các bạn nghe. Chúng nó, có đứa lớn hơn tôi, như Lộc (hình như chết rồi), có đứa bằng tuổi, có đứa bé hơn. Nói chung, thằng Hàm, thằng Cửu, thằng Vân, thằng Năm, thằng Mạnh đều tốt, có bố mẹ nghèo. Những hoạt động tích cực của con cái cũng có ảnh hưởng đến bố mẹ, làm cho bố mẹ gần với cách mạng hơn, nhiệt tình ủng hộ cách mạng hơn. Ở đây có lãnh sự Pháp và một hệ thống mật thám có tổ chức theo dõi công chức, thợ thuyền và các Việt kiều ở ngoài phố. Những người làm việc với Pháp thì ở trong khu vực dưới sự kiểm soát của nó. Những người ra ở phố cùng với nhân dân địa phương, tuy không trực tiếp dưới sự kiểm soát của nó cũng vẫn bị mật thám để ý.

Bố mẹ các đội viên Thiếu niên dục tài phần nhiều là thợ thuyền. Họ không bị lệ thuộc về kinh tế với thằng Pháp, nhưng bị lệ thuộc về chính trị, nhất là những người còn phải trở về nước. Chỉ có những người hoạt động cách mạng là không bị phụ thuộc vào ai. Hồi này Pháp đang còn mạnh. Quân phiệt Tưởng Giới Thạch và đế quốc Pháp cấu kết với nhau cản trở rất nhiều đối với các hoạt động cách mạng. Nhưng các đồng chí ta đã khéo kết hợp các hình thức công khai với hình thức bí mật để hoạt động.

Tháng 7 năm 1937, Nhật đánh Tưởng.

Bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động do Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ làm đầu sỏ tuyên truyền lếu láo về tổ chức Đội thiếu niên dục tài. Chúng xuyên tạc mục đích của Đội, vu khống những người cho con em gia nhập Đội là “đi theo tụi Cộng sản”. Nhiều người sợ bị liên lụy về chính trị, sợ bị viên đạn của Tưởng, sợ lưới mật thám của lãnh sự Pháp ở Vân Nam. Vì vậy họ đâm ra sợ cả Cộng sản, không cho con em vào Đội nữa.

Tình hình ở Vân Nam lúc này cũng phức tạp. Một số cán bộ Đảng ở trong nước bị lộ, như đồng chí Long, chạy sang Vân Nam. Kinh tế càng khó khăn. Ở xưởng, không nhận hết người. Bọn chủ thải thợ. Anh Nguyễn ở bên Quảng Tây sang, đi dạy trẻ học. Anh Long, anh Lý Quang Hoa(5) làm thợ may. Anh Trịnh Đông Hải đi làm thợ nề. Anh Trịnh Đông Hải hay mang tôi đi theo. Hai bố con cùng đi gánh vôi, gánh vữa ở ngoài phố. Cốt sao kiếm được tiền nuôi được mình để tiếp tục hoạt động cho Đảng và nuôi những đồng chí không thể công khai đi làm được. Tôi bé, nhưng hay bướng và tự trọng. Đồng chí Trịnh Đông Hải lại cho tôi là tự ái, sĩ diện, nhưng vâng lời, tốt. Tự ái! Sĩ diện! Có gì đâu, chuyện như thế này: Buổi sáng ở Vân Nam thường có bánh bao nướng vừa ngon vừa rẻ. Bố con tôi đi làm buổi sáng sớm thường đi với cái bụng lép kẹp. Bố nuôi bảo đi mua bánh bao. Tôi mang bánh bao về. Rất hồn nhiên, bố đỗ gánh vôi vữa xuống giữa đường đi, đưa lại cho tôi một cái:

- Nghĩa! Ăn bánh đi rồi còn đi làm!

Tôi nghĩ bụng: “Ngồi giữa đường, giữa phố nhai bánh nhồm nhoàm, trông khó coi lắm! Sao không ngồi đàng hoàng ở hiệu mà ăn?” Tôi lắc đầu:

- Em chưa đói!

Bố nuôi nhìn tôi, như có ý bảo: “Không ăn thế này đi làm sao kịp. Đói bụng bỏ mẹ!” Tôi vẫn lắc, kiên quyết hơn:

- Em không ăn!

- Mày không ăn, tao ăn!

Rồi bố nuôi ăn luôn giữa phố đông người qua lại.

Chúng tôi làm khoán, càng tranh thủ làm được nhiều càng lĩnh được nhiều tiền. Bố tranh thủ cả trong lúc ăn, con lại không thích! Tuy vậy, cả buổi hôm đó tôi vẫn gánh vôi vữa theo sát người bố nuôi, bố nuôi không có điều gì phải chê trách. Từ đó, bố đi làm đâu, bố cũng xách đi…

Bấy nhiêu người đi làm mà chỉ đủ tiền mua gạo. Tất cả mấy anh em thuê được độc một cái buồng rất chật gần ngoại ô. Quần áo anh nào cũng rách. Bảy, tám người mà chỉ có hai, ba bộ quần áo lành lặn. Người nào phải đi đâu thì “diện” áo lành. Người ở nhà toàn mặc quần áo rách hoặc ở trần. Các anh phải làm việc, phải hoạt động, lại phải để dành tiền cùng với số tiền quyên góp được của Việt kiều để mua súng gửi về Tổ quốc.

Quần áo đã thiếu, đã rách mà cơm lại không thức ăn. Thấy các anh làm việc đầu tắt mặt tối, cơm nhạt, thương quá. Tôi ít tuổi nhưng có tài bắn súng cao su: một hòn cuội bắn ra là một con chim bị trúng đầu. Có dạo, tôi đi bắn được từ tám chục đến một trăm con chim sẻ về làm thức ăn, cải thiện cho các anh.

Chúng tôi thường nhận được báo chí từ trong nước gửi ra. Các buổi tối, đồng chí Đông A huấn luyện cho Thiếu niên dục tài chúng tôi tập diễn thuyết. Anh nói về tình hình cách mạng cho chúng tôi nghe. Chúng tôi được nghe giảng về cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, về cuộc cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc), về sai lầm của Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương khởi nghĩa Yên Bái. Chúng tôi được nghe nhiều về Đảng Cộng sản Đông Dương, về đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đội thiếu niên dục tài hoạt động được hai năm. Các đội viên lớn dần lên. Một số đi làm, thuyên chuyển đi nơi khác. Đội lại bị bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động gièm pha đểu cáng và bọn Tưởng phá hoại, phải giải tán. Ta lập Việt Nam câu lạc bộ để thu hút các con em của Việt kiều, tổ chức vui chơi và quyên tiền giúp Trung Quốc đánh Nhật. Sau rồi Việt Nam câu lạc bộ cũng thất bại vì cũng bị bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ phá. Bố mẹ các em sợ, không dám cho con đến vui chơi ở Việt Nam câu lạc bộ nữa.

Năm 1938, ta lập ra Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội. Bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động cũng tìm cách phá tổ chức này của chi bộ Vân - Quý, nhưng không phá nổi. Đồng chí Trịnh Đông Hải đi làm lái xe ô tô cho hãng dầu “con hổ” Vĩnh An Đường. Việc làm đã tương đối ổn định nên nuôi được nhiều cán bộ hơn. Tôi cũng đã mười sáu tuổi, trông người đã kha khá. Tôi xin làm thợ ở xưởng sửa chữa ô tô. Chủ hãng là người Trung Hoa công ty với thằng Pháp và thằng Anh. Tôi học thợ sáu tháng, không lương. Sau đó tôi được lương, cũng đủ ăn, đỡ cho các anh. Các đội viên Thiếu niên dục tài cũ cũng gia nhập Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội. Cả các đội đá bóng, đội điền kinh thể dục thể thao, bóng bàn cũng sáp nhập cả vào. Hội này có danh nghĩa hẳn hoi, giúp Trung Quốc đánh Nhật, nên càng trở nên vững mạnh, bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ lồng lộn phá mà không làm gì được.

Cuối năm 1938 có cuộc đấu tranh đòi tăng lương. Bọn chủ bắt thợ làm đêm không cho ăn lương. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trịnh Đông Hải, chúng tôi đấu tranh với chủ, đòi phải trả những công làm đêm. Bọn chủ ngoan cố, không chịu. Chúng tôi đình công, nhất định không chịu đi làm, kiên trì đấu tranh. Có tay muối mặt đi làm để tâng công với chủ. Tôi nói không được, giơ tay cản lại. Tôi sừng sộ: “Đi làm mà tố cáo, đánh cho mà coi!” Cuộc đấu tranh có kết quả. Từ đó thợ làm đêm chủ phải trả thêm lương, đâu mấy phần trăm.

Sau cuộc đấu tranh thắng lợi, tôi bị thằng chủ thù, đuổi ra khỏi hãng. Tôi đi làm tư cho một công ty vận tải ở Vân Nam. Tôi thường được chỉ định bảo vệ các đồng chí cán bộ trong các cuộc diễn thuyết trước đông đảo quần chúng. Bọn Vũ Hồng Khanh tức tối, thường cùng một vài tên lưu manh tới phá rối. Bọn lưu manh thấy tôi ngang tàng, cứ nhìn lấm lét. Tôi đang tuổi thanh niên, hăng hái, lại được các anh chỉ dẫn cho đường đi, nên dốc một lòng phục vụ cách mạng.

Tháng 6 năm 1939, tôi được gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Một trong hai đồng chí giới thiệu tôi là đồng chí Trịnh Đông Hải. Đồng chí là người anh cả, người cha nuôi đã đỡ lấy thằng bé mười ba tuổi đói khát, rách rưới và năm năm sau trịnh trọng giới thiệu tôi, một thanh niên công nhân mười tám tuổi, trước Đảng kỳ…

Sau cái ngày vui sướng nhất đời của tôi đó, người đồng chí đáng mến ấy sắp sửa xa tôi.

Năm 1940, đồng chí Trịnh Đông Hải về nước hoạt động. Anh Lý Quang Hoa cũng đi. Một số đồng chí khác ở trong nước chạy ra ngoài, nay cũng về một chuyến. Tôi cũng xin đồng chí Trịnh Đông Hải cho tôi về nước. Đồng chí Trịnh Đông Hải bảo tôi:

- Nghĩa ạ! Nghĩa lớn rồi. Nghĩa chẳng còn bé nữa. Nghĩa là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương rồi! Anh về nước theo chỉ thị của Đảng… Em ở lại. Nhưng nhớ là phải điềm tĩnh, không được liều lĩnh. Ở đây, địch thì nhiều. Ta cũng có lắm người tốt… Người đảng viên lấy hoạt động cách mạng làm chủ yếu, là lẽ sống của đời mình… Cố gắng nhé!

Tôi ở lại Côn Minh cùng với đồng chí Lê Tùng Sơn (hiện nay ở Bộ ngoại giao) sau đó thêm đồng chí Phạm Việt Tử (đồng chí Phạm Việt Tử hoạt động ở trong nước bị lộ, chạy ra ngoài, đến Liễu Châu rồi đến Vân Nam. Đồng chí không tìm được việc làm. Anh em góp tiền , góp sức giúp Việt Tử ở lại hoạt động). Chúng tôi tiếp tục hoạt động, duy trì phong trào cách mạng, vận động Việt kiều gia nhập tổ chức Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội. Sau đó, chúng tôi đổi tên hội là Việt Nam giải phóng hội do đồng chí Phạm Việt Tử phụ trách.

Lý luận của tôi chưa được cao. Nhưng tôi được cái nhiệt tình; các anh trên bảo làm gì là làm lấy được mới nghe. Kẻ nào có hành động phản trắc thì tôi là một tay đi can thiệp. Tôi thường giữ trật tự canh gác cho các anh diễn thuyết, họp hội nghị. Nhưng tôi thấy nếu cứ hoạt động mãi ở đây thì thật là chán. Ở đây, ngoài số Việt Kiều ủng hộ cách mạng ra, còn một số lừng chừng, không kể một số khác như bọn Vũ Hồng Khanh chuyên dựa vào Tưởng Giới Thạch tìm cách làm khó dễ. Tôi không ra khỏi Côn Minh được nếu tôi không có một tấm giấy thông hành do chính quyền Vân Nam cấp. Bọn Vũ Hồng Khanh không lạ gì tôi. Chúng chỉ rỉ tai với bọn quân phiệt Tưởng là tôi bị bắt ngay. Bọn Tưởng chưa đụng đến tôi là vì tôi là hội viên của Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội. Tôi nghĩ: “Muốn về nước phải có giấy tờ đi lại tự do. Muốn có giấy tờ đi lại tự do phải tạm làm cho nó. Trong các cách tạm làm, chỉ có làm tình báo thì tha hồ. Học nghề nó để đập vào lưng nó. Càng hay! Bọn Vũ Hồng Khanh có muốn sinh chuyện cũng không làm gì nổi”.

Tôi tự quyết định cho tôi một phương hướng để trở về Tổ quốc. Tôi cũng thấy yên tâm khi được tin các anh cũng tán thành để tôi đi học lớp quân chính về tình báo…

(1) Dục là trí dục, đức dục; tài là tài năng

(2) Vân Nam và Qúy Châu

(3) Tức đoàn thanh niên cộng sản

(4) Đồng chí Vương Minh Phương đi dự Hội nghị Á Phi lần thứ nhất ( năm 1956) bị tai nạn máy bay, chết

(5) Tức là đồng chí Hoàng Văn Hoan ngày nay

Thượng tướng Phùng Thế Tài