TRỞ VỀ TỔ QUỐC
Đầu năm 1942, tôi về đến biên giới.
Đi cùng với tôi chuyến này có đồng chí Phạm Việt Tử, anh Trụ đen và anh Dương Bảo Sơn. Hội Việt Nam giải phóng quyên được một số tiền kha khá và mua được một ít súng, phần lớn là súng lục, Côn-bát, Dóp 6, Bờ-rô-ninh. Hội giao cho bốn anh em chúng tôi chuyển về nước cho Tổng bộ Việt Minh.
Đứng trên miếng đất địa đầu của Tổ quốc, lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Chúng tôi gặp đồng chí Vũ Anh(1) và một số đại biểu khác. Gặp lại ân nhân xưa, tôi kể hết tình đầu, không hề giấu giếm cái gì và xin đồng chí cho được ở lại. Sau khi thảo luận kế hoạch với nhau, hội nghị quyết định: anh Dương Bảo Sơn, anh Trụ đen và anh Phạm Việt Tử lại trở về Vân Nam tiếp tục hoạt động… Tôi nhìn nét mặt nghiêm nghị của đồng chí Vũ Anh, lo quá. Bây giờ mà đồng chí lại bảo trở về Vân Nam thì làm thế nào? Cái khoảnh khắc im lặng chờ đợi này chỉ có mấy phút giây mà tôi tưởng dài tới hàng năm. Tôi nín thở. Và đến khi hội nghị tuyên bố: “Đồng chí Nghĩa được ở lại”, tôi mới thở hắt ra, nhẹ nhõm. Tôi muốn nhảy lên ôm ghì lấy đồng chí Vũ Anh để tỏ nỗi vui sướng của tôi. Nhưng tôi lại sợ, nếu để lộ liễu quá cái vui sướng của mình ra, đồng chí Vũ Anh đổi ý, bắt trở về Vân Nam với ba đồng chí kia, nên tôi lại phải nén lòng xuống. Chân tay tôi cứ thấy ngứa ngáy, thỉnh thoảng lại giật giật…
*
* *
Tôi bị ốm một trận tưởng chết.
Ốm khỏi - vào khoảng cuối năm 1942 - tôi được phái đi làm công tác ở Bảo Lạc (tỉnh Hà Giang), phía nam giáp giới huyện Sóc Giang, tỉnh Cao Bằng.
Khu vực hoạt động của chúng tôi toàn người Mán và người Mèo. Chúng tôi có hai người: tôi và một đồng chí tên là Trung, hoạt động dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bình Dương, người dân tộc Tày.
Ở Bảo Lạc, dân chúng khổ lắm. Gạo đã rất ít, lại chỉ để cung đốn cho bọn quan đồn. Đồng bào Mán toàn ăn ngô xay. Tôi vừa ốm khỏi cũng toàn ăn cơm ngô. Được cái trẻ, hăng, nên chịu được. Tôi vốn xông xáo, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã nói được tiếng Mán, một thứ tiếng vào loại khó học.
Tôi hoạt động trên Mán, tuyên truyền cái gì cũng dùng tiếng dân tộc nên thanh niên rất thích vì họ hiểu được ngay. Có lần địch khủng bố gắt gao, tôi phải ở hang hàng tháng trời. Anh chị em thanh niên Mán lên tìm tôi trên hang, bảo:
- Cán bộ Nghĩa à! Cái thằng Tây nó bảo: “Ai bắt được cán bộ Nghĩa hay ai chặt được đầu nó đem về, quan lớn thưởng cho năm chục cân muối” đấy!
Tôi nói:
- Tôi có nhiệm vụ đoàn thể phái lên đây, cùng các đồng chí đánh Tây, giành độc lập. Người Mán ta sẽ không nghèo đói nữa, không khổ nữa. Tôi chết đi đã có người khác.
Lý luận lúc ấy chả có gì. Thanh niên mới lớn lên, nghĩ thế nào nói thế.
Đám thanh niên đi về, kháo nhau: “Nó nói đúng đấy! Tây không giết chết được hết người mình đâu!”
Cái vốn văn hóa thu lượm được từ dạo ở với Đội thiếu niên dục tài ở Côn Minh cộng với cái tính hăng hái của thanh niên giúp tôi khá đắc lực. Trong công tác cách mạng thật chẳng có gì sung sướng hơn là được quần chúng tin yêu. Cái áo tôi mặc rách như tổ đỉa, có chị lột ngay cái mũ chị đội trên đầu ra, đưa cho tôi dùng làm vải vá. Có chị cho tôi cả khăn. Các chị bảo:
- Mày(2) lấy của tao đi! Mày lấy cái áo mà mặc!
Cái mũ và cái khăn của phụ nữ Mán bằng vải xanh có viền trắng, rất đẹp. Tôi định từ chối, nhưng không dám. Ở trên Mán, khi người con gái cho mũ, cho khăn mà người con trai từ chối, cũng có nghĩa như là đánh giá người con gái quá thấp, khinh bỉ người đó… Có anh thanh niên cho tôi cái tập pậc(3) bằng sừng. Ở mảnh đất xa xôi trên lưng chừng núi, không hề biết đến điện lực và diêm thì cái tập pậc bằng sừng là đồ quý giá nhất. Có nó, đi rừng đốt được lửa sưởi, nướng được măng, bung được ngô ăn, hút được thuốc lá.
Tôi chép cho anh chị em điều lệ hoạt động của các đoàn viên cứu quốc, và dạy họ học văn hóa. Họ không biết chữ phổ thông. Muốn dạy hát phải dạy thuộc lòng từng câu ngắn. Tôi dạy đủ các thứ bài. Có bài tôi dịch ra tiếng Mán - dịch lấy ý - được anh chị em thanh niên rất thích hát, vì hợp với tâm hồn mộc mạc của họ. Đó là những câu thơ của đồng chí Văn - tức là đồng chí Võ Nguyên Giáp:
Nước ta bị Tây cướp
Đã bảy, tám mươi năm
Chúng đè nén giam cầm
Bắt dân ta làm nô lệ
Chúng đặt một trăm thứ thuế
Bóc lột ta đến xương…
Ở vùng Mán, tên các chị thanh niên thường là những tên xấu xí. Nghèo đói, bệnh tật đã làm cho người Mán chết dần, chết mòn. Cha mẹ đẻ con ra thường tìm những cái tên xấu xí đặt cho con. Họ cho rằng đặt như thế thì “cái ma” không bắt đứa trẻ đi và đứa trẻ sơ sinh sẽ nuôi được và lớn khôn(4). Lớn lên trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, được hít thở khí trời trong sạch, các cô gái đến tuổi dậy thì má hồng phơn phớt lại mang cái tên “Tu (5)” tên “Nhỉu (6)”. Tôi tìm những cái tên hoa đẹp đẽ đặt cho: cô này tên Lan, cô nọ tên Lý v.v…
Tôi hoạt động trên Mán suốt năm 1943 đến đầu năm 1944. Bản Mường đã đổi khác lần lần. Ngoài việc dạy văn hóa cho đồng bào, cán bộ chúng tôi còn chỉ vẽ cho đồng bào cách giữ vệ sinh và tăng gia sản xuất. Trước kia, bò và người ngủ cùng một nhà, lúc nào cũng hôi thối, muỗi vốc được từng vốc tay. Bây giờ, bò ra ở một chỗ xa hẳn nhà ở. Trước kia, đồng bào từ già đến trẻ, ngay cả thanh niên nam nữ, cũng rất ít tắm giặt. Bây giờ, tuy áo còn rách, vá, nhưng được giặt luôn, thơm mùi nước suối rừng. Các gia đình trước kia đói quanh năm nay thường là đủ ăn, tăng gia thêm để nuôi cán bộ. Từ các đoàn thể thanh niên cứu quốc và phụ nữ cứu quốc, chúng tôi lọc ra những anh chị em tích cực, thành lập các đội tự vệ. Cả Bảo Lạc được đến mấy trăm tự vệ trang bị bằng súng kíp và những vũ khí thô sơ. Các đội tự vệ tập luyện rất hăng hái. Chúng tôi cho học một số lời thề cách mạng, học công tác giữ bí mật. Các bí thư thanh niên Mán võ vẽ tiếng Kinh trực tiếp dạy các đội. Tôi được anh chị em gọi là “cán bộ”.
Tiếng thơm của các đội tự vệ lan ra rất xa, luồn qua biên giới sang đến đất Trung Hoa. Có một đồng chí người Mán làm ăn ở bản Tùng Cảng (Trung Quốc) thấy rõ mục đích chống Pháp, kháng Nhật của Việt Minh, cũng cơm đùm cơm nắm, đi bộ hàng mấy ngày đường về xin gia nhập.
Dạo đó, địch tăng cường khủng bố ở Nước Hai, Nguyên Bình(7). Ở những vùng thấp có người Tày và người Nùng ở, địch chú ý nhiều hơn là ở vùng người Mán. Một phần vì đường sá lên vùng Mán khó khăn; mặt khác, người Mán khi đã giác ngộ thì giữ bí mật và canh gác rất chặt chẽ, địch cho tên nào lên điều tra cũng đều bị nhân dân phát giác. Bọn cai trị quay ra dọa dẫm những người xuống núi đi chợ. Bà con đi chợ về lại mách cán bộ. Chúng tôi lấy đó giáo dục thêm cho quần chúng về ý thức cảnh giác và tránh địch như thế nào…
Đang hoạt động trên Mán, tôi nhận được lệnh của đồng chí Vũ Anh gọi về. Tôi vào Đội tuyên truyền xung phong, do một đồng chí người Cao Bằng làm đội trưởng. Toàn đội chỉ có mười mấy người. Như tên của nó, Đội có nhiệm vụ tuyên truyền xung phong và tổ chức quần chúng tham gia cách mạng, ủng hộ cách mạng.
Anh chị em trong Đội tuyên truyền xung phong bỏ tên “Nghĩa” của tôi mà gọi tôi là “Hữu Tài”. Có lẽ vì họ thấy tôi có tài vặt chăng? Tôi thấy cái tên đó hay hay nên cũng không phản đối.
Một hôm tôi nhận được lệnh sang Vân Nam chở vũ khí về. Các đồng chí cho tôi biết đồng chí Phạm Việt Tử ở bên đó quyên được tiền, “làm” được một số súng. “Cần có một người quen đường, nói được tiếng quan hỏa(8), khỏe. Chúng tôi đề cử đồng chí đi!” Các đồng chí bảo tôi như vậy.
Tôi biết, dọc con đường sang Vân Nam thổ phỉ như rươi, không khéo, không xử trí nhanh nhẹn thì mình “nằm lại” rừng quê người như chơi. Được lệnh đi công tác một cách đột ngột, lại đi ra ngoài nước, sau khi bàn giao công việc cho đồng chí Trung, tôi ra đi. Tôi định nếu tiện sẽ đến nói mấy lời với các đội tự vệ. Thời gian vội, tôi không gặp được tất cả. Chỉ gặp được một đồng chí ở xã Đoàn Kết. Tôi nói:
- Tôi được lệnh đi công tác xa. Đồng chí ở lại giữ vững phong trào nhé! Phát triển cơ sở rộng ra. Lực lượng ta lớn mạnh, ngày khởi nghĩa sắp đến rồi! Nhưng căn bản là phải giữ được bí mật.
Chúng tôi bắt tay nhau thật chặt. Đồng chí ấy không nói gì, chỉ nhìn tôi gật đầu. Một chị được tin tôi đi, chạy đến cho tôi một cái mũ. Chị bảo tôi, bập bẹ bằng tiếng phổ thông:
- Đồng chí Hữu Tài!... Cán bộ mày đi, cái đầu ít tóc quá! Tôi cho cán bộ cái mũ trên đầu tôi…
Mũ của chị, tôi biến nó thành cái mũ bê-rê-bát, che mưa, che nắng. Một anh khác đưa vào tay cho tôi năm nghìn đồng (9) để tôi làm tiền ăn đường.
Từ Bảo Lạc đến biên giới Trung - Việt đi mất một ngày đường. Đi, phải tránh đồn binh Pháp. Lại phải đi bộ, đi đường nhỏ và xuyên rừng, thổ phỉ rất nhiều, nhưng tôi đều tránh được. Giá như không phải là đi một chuyến quan trọng như chuyến này thì tôi đã có dịp “đọ súng” với mấy tên thổ phỉ. Tôi nghĩ: “Cái chính là mang được súng về. Tránh chúng nó không phải là hèn kém. Nếu chỉ hạ được mấy thằng thổ phỉ mà công việc chính không hoàn thành thì Hữu Tài nên đổi thành Bất Tài”. Ấy, tôi cứ nghĩ lung bung thế. Đặt chân lên đất Trung Hoa, tôi không cần đi đêm nữa. Ngày tôi đi, đêm tôi nghỉ. Nhưng tôi cũng tránh đi đường lớn. Chiều tối, tôi vào nhà người nông dân Trung Quốc ngủ. Từ căn cứ đi đến Vân Nam, mất hơn mười ngày.
Số vũ khí tôi mang về lần này gồm có tiểu liên, súng lục và một số lựu đạn chày. Đi về cùng với tôi có đồng chí Dương Bảo Sơn, đồng chí Trụ và một số đồng chí khác.
Tôi mang số vũ khí đi về, gặp đồng chí Lê Quảng Ba (10) báo cáo tình hình. Các đồng chí đi cùng với tôi về nước ở lại biên giới. Tôi tiếp tục vào nội địa.
Địch đang khủng bố gắt gao. Tiếng súng đạn vọng vào những dãy núi đá vang vang ngày này sang ngày khác. Tôi tới huyện Hòa An (Cao Bằng). Ở đây, có dãy Lò núi đỏ, nhiều hang nhiều động. Tôi ở cùng cơ quan với đồng chí Văn(11) . Tôi đến cơ quan thấy đồng chí Văn đang ốm nặng. Trước khi ở Vân Nam về, tôi có một ống tiêm và một số thuốc tiêm ký-nin. Tôi không phải là y tá, cũng chẳng phải là cứu thương. Thấy đồng chí Văn nằm cứ run bắn lên, rung cả lán, tôi thương quá. Tôi “nhắm mắt” tiêm liều cho đồng chí. Tôi nghĩ bụng: “Y tá… chọc mình có thấy gì là khó khăn đâu! Cái món ký-nin này cứ chọc vào chỗ có bắp thịt. Còn ky-nô-xê-rom, “ven” nổi hay “ven” chìm cũng tiêm được tuốt. Tiêm đi, không việc gì mà sợ!” Tiêm một lần không thấy phản ứng gì, tôi cứ công thức ấy phết, càng vững tâm làm cái anh ý tá bất đắc dĩ.
Đồng chí Văn, một đồng chí cán bộ địa phương và tôi cùng ở trong một cái lán giữa rừng. Địch biết cán bộ chỉ trú trong rừng nên đã giảo quyệt chẹn hết các đường từ làng bản vào rừng. Ngay cả đến những đường hẻm ít người qua lại cũng bị chặn. Trong suốt hai mươi ngày ở chung với anh Văn, tôi thầm lo cho sức khỏe suy sụp của anh. Đồng chí cán bộ địa phương rất lo việc chạy cơm nước cho anh Văn.
Tiêm hết số ống thuốc sốt rét, anh Văn khỏi bệnh. Khỏi rồi, nhưng anh Văn cũng chẳng được ăn giả bữa như những người ốm ở hoàn cảnh không bị địch bao vây. Anh không phải nhịn, nhưng bữa cơm bữa cháo là chuyện thường. Tôi cũng bị đói.
Địch khủng bố càng ác liệt. Thấy ở lán lâu ngày khó an toàn, anh Văn quyết định rời cơ quan đi nơi khác. Tôi cũng đi sang một chỗ mới.
Chúng tôi tìm lên một cái hang. Tiếp tế cho chúng tôi có chị Ngọc là cán bộ địa phương. Chị Ngọc mới hai mươi tuổi, hăng hái lắm. Chị giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tối, chúng tôi ở trong hang, ngày lại mò xuống đi tìm cái có thể ăn được ở trong rừng. Tôi vốn là một thằng phàm ăn, bụng đói là khổ lắm… Một lần, tôi đi với đồng chí Bằng Giang xuống làng. Chúng tôi đã phạm khuyết điểm để lộ bí mật, lộ tung tích: đói quá, xuống ẩu, nên bị bọn tay sai của thằng tổng đoàn tên là Tàng đánh hơi thấy, theo sát. Chúng tôi thấy để tên Tàng này rất nguy hiểm. Chính nó báo cơ sở của ta cho bọn quan đồn, chính nó đã dọa dẫm làm cho quần chúng dao động, không dám tích cực giúp cách mạng. Chúng tôi quyết định khử tên phản động này. Đồng chí Trường Khê, đồng chí Kim Anh, tôi và một số đồng chí nữa đã hoàn thành nhiệm vụ: khử ngọt thằng Tàng ở ngang sông huyện Hòa An. Cái chết của thằng tổng đoàn cũng là một ngọn roi quất mạnh vào lưng thằng Tây và bọn tay sai.
Một buổi chiều cuối mùa thu năm 1944, đồng chí Vũ Anh, đại biểu Tổng bộ Việt Minh cho gọi tôi lên, giao cho tôi một nhiệm vụ mới. Lâu ngày không gặp lại người vừa là đồng chí vừa là bố nuôi, tôi chạy bay đến…
(1) Bí danh hoạt động trong nước của đồng chí Trịnh Đông Hải
(2) Dân tộc ít người tính tình chất phác, mộc mạc, hay mày – tao, mày – tao ở đây không có nghĩa khinh bỉ, mà là tiếng thân tình.
(3) Cái đánh lửa của đồng bào Mán.
(4) Tập tục mê tín dị đoan của đồng bào miền núi trước kia.
(5) Con.
(6) Trâu.
(7) Thuộc tỉnh Cao Bằng
(8) Tiếng phổ thông của Trung Quốc
(9) Tiền Tưởng Giới Thạch, tương đương khoảng 30, 40 đồng bây giờ.
(10) Hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Trung ương
(11) Tức là đồng chí Võ Nguyên Giáp