Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tháng 7/2023

Vũ Xuân Kiên
Chiều ngày 31/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 có chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

hoinghixttm20230731144839-1690795821.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với các mặt hàng và sản phẩm ngành đồ gỗ, dệt may và da giày; thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại.

Hội nghị diễn ra hai phiên: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CHLB Đức, Canada, Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch, biện pháp chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày Việt Nam. Phiên 2 dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến nhu cầu tiêu thụ và thúc đẩy xúc tiến thương mại các mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine; trong khi đó hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…

Ở trong nước, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, hội nhập sâu với thế giới, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trình độ khoa học, công nghệ còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, dù Việt Nam được đánh giá có lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế các hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tận dụng được cơ hội này.

Nhấn mạnh thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. "Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 7/2023 ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất, cụ thể 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ.

"Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Vì vậy, tại Hội nghị giao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các đại biểu cùng trao đổi nhìn nhận lại các kết quả chúng ta đã thực hiện trong 7 tháng đầu năm, đúc rút kinh nghiệm, từ đó bàn về giải pháp, các nhiệm vụ chúng ta cần làm và cần nỗ lực để hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, các địa phương, hiệp hội nêu các ý kiến đề xuất với Bộ Công Thương, với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về các giải pháp liên quan đến xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ...

Đối với các cơ quan thương vụ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cung cấp các thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tiếp thu các ý kiến của Hiệp hội, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ công tác thị trường thiết thực hơn, sát với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành công thương được Chính phủ giao tại các nghị Nghị quyết mới đây của Chính phủ (Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương...).

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 7 đồng thời cũng là hội nghị tháng đầu tiên của quý III với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.