Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Bali, Indonesia nỗ lực đạt được các cam kết mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đối phó các thách thức lớn toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 15/11. (Ảnh: YONHAP/TTXVN) |
Với những cam kết tài trợ và hợp tác được đưa ra tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã thể hiện sự đánh giá cao tầm quan trọng của việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các vấn đề then chốt như khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Bên lề Hội nghị cấp cao G20, Mỹ, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng tổ chức sự kiện “Ðối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII)”. Ðây là sáng kiến được các nhà lãnh đạo Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) công bố tháng 6 vừa qua nhằm huy động 600 tỷ USD từ nay đến năm 2027 để thực hiện cam kết giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tái khẳng định cam kết chung tăng cường các quan hệ đối tác toàn cầu đầu tư tiêu chuẩn cao vào cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “PGII tập hợp các đối tác-từ các chính phủ và khu vực tư nhân-nhằm mang lại kết quả thật sự cho mọi người dân trên khắp thế giới”.
Tại sự kiện, các nước đồng tổ chức và tham dự, gồm Argentina, Canada, Pháp, Ðức, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Senegal và Anh, cũng đã công bố các dự án và các hình thức hợp tác mới trong việc đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như khí hậu và chuyển đổi năng lượng, kết nối kỹ thuật số, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, giao thông vận tải.
Mỹ, G7 và Nhóm đối tác quốc tế (IPG-gồm Canada, Ðan Mạch, EU, Pháp, Ðức, Italy, Na Uy và Anh) đã khởi động Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mang tính đột phá trị giá 20 tỷ USD với Indonesia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành điện của quốc gia Ðông Nam Á này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay và Chủ tịch ASEAN vào năm tới, Indonesia sẽ bảo đảm các nước đang phát triển được hưởng lợi từ sáng kiến toàn cầu mang tính chuyển đổi này, bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở ASEAN cũng như tại khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương để đưa ra tầm nhìn về Ðối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, cũng như hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch G20 năm 2022.
Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “PGII là sáng kiến địa chiến lược quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược hiện nay. Cùng với các nền dân chủ hàng đầu, chúng tôi cung cấp các mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng giá trị, minh bạch và tiêu chuẩn cao cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Indonesia là một ví dụ quan trọng”.
Là quốc gia đồng khởi động quan hệ đối tác với các quốc gia thuộc G7 và Bắc Âu để giúp Indonesia, một trong những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, tiến tới từ bỏ than đá, Canada cũng công bố cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Canada dự kiến dành 750 triệu CAD (565 triệu USD) cho một tập đoàn của nhà nước để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á trong ba năm, bắt đầu từ tháng 3/2023. Ðây là thỏa thuận tài trợ lớn nhất mà đảng Tự do cầm quyền ở Canada cam kết như một phần trong chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương sắp tới của Ottawa, và cũng là một phần của dự án G20 nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình có được các thành phố an toàn và bền vững hơn.
Các cam kết được các nước phát triển trong G20 đưa ra tại hội nghị cho thấy quyết tâm của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung. Sứ mệnh quan trọng của các nước G20 là phát huy vai trò dẫn dắt thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng tiến tới phục hồi bền vững, trong đó có việc cung cấp tài chính giúp các nước nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
MỸ ANH