Hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục cấp chứng nhận tiêu chuẩn của Ấn Độ

Vũ Xuân Kiên
Tham tán Thương mại tại Ấn Độ cho biết tất cả nhà sản xuất phải có Giấy chứng nhận do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cấp khi xuất khẩu vào thị trường này, đồng thời phải có người đại diện được ủy quyền ở Ấn Độ.

Ngày 26/4, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã hợp tác với Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) tổ chức hội thảo trực tuyến (Webinar) về quy định, quy trình và thủ tục cấp giấy chứng nhận BIS đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam.

ttxvn-san-xuat-giay-1682586642.jpg
Các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ cần phải có giấy chứng nhận do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cấp. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Trong bài phát biểu khai mạc chương trình, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại tại Ấn Độ - đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giấy chứng nhận BIS do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cấp.

Giấy chứng nhận này là bắt buộc đối với nhà sản xuất cả trong và ngoài nước để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Ấn Độ.

Danh sách sản phẩm ngày càng mở rộng và hiện một số mặt hàng như hóa chất, đồ chơi, thép, giày dép, lốp xe, sợi tổng hợp... - vốn là các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang Ấn Độ - bắt buộc phải có chứng nhận BIS.

Hai diễn giả của chương trình là ông S. Venkatesh và ông P. Deshick, công tác tại Phòng chứng nhận các nhà sản xuất nước ngoài (FMCD) thuộc Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ, đã trực tiếp cấp giấy chứng nhận BIS cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hai diễn giả đã trình bày chi tiết về các thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký BIS, các trường hợp bị từ chối đơn, khảo sát thực tế tại nhà máy, vai trò và trách nhiệm của người đại diện là người Ấn Độ để thay mặt nhà sản xuất nước ngoài liên hệ với FMCD, gia hạn giấy phép, bảo lãnh ngân hàng và các khoản phí liên quan.

Một yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải có người đại diện được ủy quyền ở Ấn Độ (AIR).

AIR phải là người Ấn Độ và chỉ đại diện cho một công ty sản xuất, không đại diện cho các nhà sản xuất nước ngoài khác theo các chương trình Đánh giá sự phù hợp của BIS.

Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà sản xuất nước ngoài thuộc cùng một nhóm công ty và nhà nhập khẩu (có liên quan đến nhà sản xuất nước ngoài) được chỉ định là AIR, hạn chế này sẽ không được áp dụng.

Vấn đề về ngân hàng bảo lãnh cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Theo quy định, sau khi được cấp giấy chứng nhận BIS, nhà sản xuất phải có bảo lãnh ngân hàng tại các ngân hàng có chi nhánh cả ở cả Việt Nam và Ấn Độ (như HDFC, DBS, Citibank, Standard Chartered).

Chứng nhận BIS sẽ có thời hạn một hoặc hai năm khi đăng ký lần đầu. Sau đó, doanh nghiệp có thể nộp đơn gia hạn tối đa 5 năm, dựa trên kết quả hoạt động của giấy phép.

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi và có ý nghĩa thiết thực vì nội dung hướng dẫn sát sườn đối với những doanh nghiệp muốn thâm nhập Ấn Độ - thị trường lớn và đầy triển vọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam./.