Hướng dẫn tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người nước ngoài

Nguyễn Ánh Hiền
Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản hướng dẫn hồ sơ cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người nước ngoài.

bao-hiem-xa-hoi-lao-dong-nuoc-ngoai-7697-1682063220.jpg

 

Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có nhận được phản ánh việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người có quốc tịch nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gặp phải vướng mắc do chưa thống nhất về họ, tên trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế với họ, tên trên hộ chiếu, visa….

Nhằm bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người có quốc tịch nước ngoài, ngày 20/4/2023, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 1757/BHXH-TST về việc hướng dẫn hồ sơ cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người nước ngoài.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị có sử dụng lao động là người có quốc tịch nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là đơn vị) thực hiện như sau:

Thứ nhất, kể từ ngày văn bản này được ký ban hành, đối với trường hợp tăng mới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người có quốc tịch nước ngoài: Trên Mẫu TK1-TS - Phụ lục hộ gia đình và Mẫu D02-LT, Mẫu D03-TS, đơn vị kê khai họ tên người nước ngoài theo đúng thứ tự trên hộ chiếu.

Thí dụ, họ tên trên hộ chiếu là Janet Damita Jackson thì hồ sơ cá nhân gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội cũng theo thứ tự là Janet Damita Jackson.

Thứ hai, đối với người có quốc tịch nước ngoài đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gửi cho đơn vị danh sách người tham gia đơn vị thuộc khối BW, IC để rà soát lại thông tin trên hộ chiếu/visa/thẻ tạm trú.

Trường hợp họ tên người có quốc tịch nước ngoài được cơ quan bảo hiểm xã hội ghi nhận chưa đúng theo nguyên tắc nêu tại mục 1 thì đơn vị lập hồ sơ 608 nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để điều chỉnh lại.

Bảo hiểm xã hội Thành phố, đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện rà soát theo hướng dẫn trên. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện chậm làm ảnh hưởng đến việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người tham gia thì đơn vị chịu trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, đơn vị phản hồi về cơ quan bảo hiểm xã hội, nơi đang thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để được hướng dẫn giải quyết.

Văn bản này thay thế Công văn số 1639/BHXH-TST ngày 14/4/2023 của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn hồ sơ cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người nước ngoài.

Trước đó, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/12/2018.

Văn bản này quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong văn bản này khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu như quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành.

Người lao động nước ngoài thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc như: ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Còn điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Người lao động nước ngoài được hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Từ ngày 1/1/2022, hằng tháng, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Còn phía người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Đó là: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng từ thời điểm nêu trên.

Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề, áp dụng quy định của điều ước quốc tế.