Hướng tới công bằng trong chuyển đổi năng lượng và phát thải

Trần Thu
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, sử dụng nguyên liệu sạch.

Huong toi cong bang trong chuyen doi nang luong va phat thai hinh anh 1

Mô hình dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: EVN)

Để thực hiện cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, sử dụng nguyên liệu sạch và áp dụng lối sống xanh, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chung tay cùng nhân loại trên toàn thế giới bảo vệ ngôi nhà chung-Trái đất.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Ông có thể cho biết những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) gồm những nội dung gì, đánh giá của các nước trên thế giới về các cam kết đó ra sao, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ: Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, đã có 124 nguyên thủ các quốc gia cùng 40.000 đại biểu đến từ các nước thành viên tham dự.

Việt Nam, cùng các nước khác trên thế giới đã có các cam kết mạnh mẽ liên quan đến biến đổi khí hậu, cụ thể là 147 nước với 90% lượng phát thải trên thế giới đã cam kết sẽ giảm lượng phát thải giảm về "0" vào năm 2050; 103 nước chiếm 40% lượng khí phát thải methane trên toàn cầu cũng đã cam kết: đến năm 2030, giảm 30% lượng phát thải khí thải methane.

Bên cạnh đó, 141 quốc gia với 90 % lượng sử dụng đất và rừng trên toàn thế giới cũng đã thực hiện cải tiến Bộ cam kết về giảm phát thải và tăng sự hấp thụ carbon; 50 nước trên thế giới đã cam kết về việc chuyển đổi từ việc sử dụng năng lượng sử dụng nguyên liệu hóa thạch than sang năng lượng tái tạo và 25 tổ chức trên thế giới đã cam kết sẽ hỗ trợ về tài chính cho các cam kết.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, các nước trên thế giới đã đánh giá rất cao việc Việt Nam cam kết giảm phát thải rong về 0 vào năm 2050. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang tổ chức triển khai các nội dung này vào Việt Nam.

- Ông có thể cho biết khả năng thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, nước ta đặt ra những lộ trình và mục tiêu cụ thể nào để đạt được cam kết này?

Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ: Ngay sau khi kết thúc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, Chính phủ đã xây dựng đề án để thực hiện các cam kết của chúng ta, đồng thời đang rất tích cực để triển khai các nội dung này.

Chúng ta tập trung vào nội dung thứ nhất là đồng bộ các cơ chế, chính sách pháp luật để khuyến khích thực hiện các giải pháp trong Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 và hướng tới mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, thích ứng và giảm nhẹ đối với cả các hoạt động liên quan tới biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu.

Nội dung thứ thứ hai chúng ta tập trung thực hiện là chuyển đổi việc sử dụng năng lượng và sản xuất năng lượng từ việc sử dụng nguồn nguyên, nhiên vật liệu hóa thạch (đặc biệt là than) sang nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng tái tạo. Đối với vấn đề này, chúng ta tập trung vào thỏa thuận với các nước G7 liên quan đến chuyển đổi năng lực công bằng và tập trung vào lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.

Giải pháp thứ ba mà chúng ta đang tập trung thực hiện là giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực, đặc biệt là giao thông vận tải. Trong đó, chúng ta hương tới chuyển đổi việc sử dụng các phương tiện giao thông dùng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện vào trước năm 2040 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có kế hoạch để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực về sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực sản xuất, sử dụng phát thải khác.

- Ông có thể cho biết, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần thực hiện cam kết phát thải dòng bằng "0" vào năm 2050?

Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ: Công nghiệp là lĩnh vực hàng đầu trong tiêu thụ năng lượng cũng như trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ. Các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 tập trung vào các lĩnh vực gồm: năng lượng, giao thông, quá trình công nghiệp, nông nghiệp, xử lý chất thải, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng. Do đó, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái sẽ đóng vai trò quyết định trong việc chúng ta có đạt được mục tiêu giảm phát thải theo lộ trình tới năm 2030, đưa phát thải ròng bằng "0" không đến năm 2050 hay không.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này, đặc biệt là trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chúng ta đã đưa vào nội dung các khu công nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về khu công nghiệp sinh thái, đảm bảo phát thải tại các khu công nghiệp phải thực hiện theo kế hoạch quốc gia, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Huong toi cong bang trong chuyen doi nang luong va phat thai hinh anh 2

Công nhân tại một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, nhà máy này sẽ là đầu vào của nhà máy khác ở trong khu công nghiệp đó. Tất cả những khu công nghiệp, nhà máy có phát thải dòng dương sẽ phải trả phí phát thải cho những khu công nghiệp, nhà máy có khả năng giảm phát thải hoặc thậm chí đưa phát thải về âm.

- Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP 27) đang diễn ra từ ngày 6-18/11, ông có thể cho biết những chủ đề chính của hội nghị lần này, những cam kết của Việt Nam?

Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ: Chủ đề chính của Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 là "Từ cam kết tới hành động."

Mục tiêu của Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 nhằm thực hiện thực hóa những nội dung mà các nước trên thế giới đã cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26.

Một trong những nội dung quan trọng nhất mà Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 hướng tới là công lý và công bằng cho việc chuyển đổi năng lượng cũng như giảm phát thải ròng bằng "0" trong thời gian tới.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rất tập trung vào nội dung thỏa thuận với các nước G7 trong cam kết tự chuyển đổi năng lượng công bằng. Bởi lẽ là các nước phát triển trên thế giới chiếm tới 44% lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 14% dân số thế giới, trong khi yêu cầu đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển thực hiện giảm phát thải tương đương là một yêu cầu rất lớn.

Các nội dung thảo luận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 được các nước đưa ra nhằm đạt được 3 nội dung cơ bản: Thứ nhất là công lý công bằng trong cách thích ứng biến đổi khí hậu. Thứ hai là công lý công bằng trong giảm phát thải khí nhà kính. Thứ ba là công lý công bằng trong trách nhiệm của các nước đối với hỗ trợ các nước chịu thiệt hại của biến đổi khí hậu cũng như là thảm họa về thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu mà ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

Ngay tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21, tại thỏa thuận Paris, các nước trên thế giới đã cam kết mỗi năm sẽ hỗ trợ 100 tỷ USD để thực hiện mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nhưng trên thực tế, năm 2020 và năm 2021 vừa qua, các nước phát triển trên thế giới cũng chưa thực hiện được cam kết của mình.

Nội dung chính mà Việt Nam thảo luận cũng như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 là chúng ta mong muốn rằng với việc Việt Nam thực hiện các cam kết mạnh mẽ như chúng ta đã thực hiện tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, đang tổ chức triển khai và sắp tới chúng ta sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn đã được cụ thể hóa trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các nước phát triển và các nước khác trên thế giới cần thực hiện đúng những cam kết đã đặt ra./.

- Trân trọng cảm ơn ông!